Khởi kiện bằng... vi bằng

Cuối năm 2004, vợ chồng ông H. cho con gái thuê một căn nhà để làm trụ sở công ty. Hơn một năm sau, người con gái cho một ngân hàng thuê lại căn nhà trên...

Sửa chữa làm hư nhà

Theo trình bày của ông H., cuối năm 2011, ông phát hiện phía ngân hàng tự ý sửa chữa toàn bộ căn nhà, đập phá sàn nhà để mở cầu thang, trổ cửa mới. Việc sửa chữa này cũng không có giấy phép theo quy định nên bị Thanh tra xây dựng lập biên bản, yêu cầu ngưng thi công. Để ghi nhận lại sự việc, ông cũng đã nhờ Văn phòng Thừa phát lại đến lập vi bằng.

Hơn một tuần sau, việc sửa chữa vẫn được tiến hành nên Thanh tra xây dựng phường tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sau đó UBND phường cũng như UBND quận đã không ra quyết định xử phạt hành chính. Ông H. khiếu nại thì Thanh tra xây dựng quận khẳng định việc sửa chữa không vi phạm nên không thể xử phạt...

Không còn cách nào khác, ông H. khởi kiện ra TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) vì ngân hàng tự ý sửa chữa, cơi nới diện tích sử dụng làm thay đổi kết cấu nhà, làm hư nhà mà không có sự đồng ý của ông. Đồng thời, ông yêu cầu tòa hủy hợp đồng cho thuê giữa con ông với ngân hàng...

Khởi kiện bằng... vi bằng ảnh 1

Vi bằng mà ông H. trưng cho tòa để làm chứng cứ. Ảnh: T.TÙNG

Là chứng cứ quan trọng?

Do cùng thời điểm này, vợ chồng ông H. xin ly hôn nên tòa quận đã nhập hai vụ án vào thành vụ ly hôn, chia tài sản chung, tranh chấp hợp đồng thuê nhà. Phía ngân hàng được tòa xác định là người liên quan.

Để chứng minh cho việc vi phạm của ngân hàng, ông H. nộp cho tòa vi bằng mà Văn phòng Thừa phát lại lập trước đó. Vi bằng ghi nhận sáng xảy ra sự việc, có nhiều Thanh tra xây dựng phường đang đo vẽ và lập biên bản vi phạm hành chính, có khoảng 20 công nhân xây dựng với nhiều xà bần gạch vữa ngổn ngang. Việc sửa chữa có sự thay đổi kết cấu nhà, đập tường cũ xây tường mới, phá dỡ nền, sắt chịu lực trên trần bị cắt, đà bị cắt. Cửa ra vào ô cầu thang với phần sau cùng của tầng trệt bị đập phá, nhiều khu tường bị đập và xây mới...

Ông H. cho rằng đây là nguồn chứng cứ quan trọng và trực tiếp chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.

Trước chứng cứ này của ông H., qua xem xét, nhiều ý kiến cho rằng nó không có giá trị pháp lý bởi việc sửa chữa nhà thuê của phía ngân hàng đã được các cơ quan chức năng xác định là không có sai phạm. Bên ngân hàng cũng chưa bị xử phạt nên vi bằng chỉ mang tính tham khảo mà thôi.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến khác thì vi bằng chính là chứng cứ quan trọng của vụ án. Nó được một cơ quan đặc thù lập và có giá trị pháp lý. Không thể nói vi bằng lập để xem cho có. Nếu như vậy thì không ai lập ra tổ chức thừa phát lại làm gì. Từ chứng cứ này, tòa có thể giải quyết công nhận yêu cầu khởi kiện của ông H.

* * *

Vừa qua, TAND quận đã tổ chức hòa giải nhưng không thành nên vẫn chưa thể kết luận vi bằng trên có giá trị đến đâu. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi tòa xét xử vụ án.

Cần khuyến khích sử dụng vi bằng làm chứng cứ

Đương sự sử dụng vi bằng của thừa phát lại để làm chứng cứ tại tòa là hoàn toàn hợp pháp, đúng luật vì chức năng, nhiệm vụ và nhiệm vụ (???) của cơ quan thừa phát lại đã được khẳng định. Bởi vi bằng là việc ghi nhận hành vi trung thực tại thời điểm xảy ra sự việc, có tính khách quan, hợp pháp và có giá trị pháp lý như chứng cứ. Nhưng thực tế ít có trường hợp người dân chủ động dùng nó để nộp theo khi khởi kiện. Tuy nhiên, cần nói thêm đây cũng chỉ là một trong những nguồn chứng cứ khác chứ không phải là duy nhất và giá trị pháp lý đến đâu là do tòa án đánh giá. Theo tôi, đây là một hình thức mới để đương sự tự thu thập chứng cứ trong vụ kiện của mình, cần được khuyến khích sử dụng.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM,  Ủy viên BCH Liên đoàn
Luật sư Việt Nam

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm