'Khối Macron' bắt tay cánh tả ngăn phe cực hữu

(PLO)- Hiện liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron và liên minh cánh tả đang cùng nỗ lực quyết ngăn phe cực hữu giành chiến thắng tại vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội Pháp cuối tuần này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kết quả bầu cử vòng 1 cuộc bầu cử quốc hội Pháp hôm 30-6, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) giành được 33% phiếu bầu, tiếp theo là liên minh Mặt trận Bình dân mới thuộc cánh tả với 28%, liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron đứng thứ ba chỉ với 22%.

Kết quả trên dường như đi ngược lại tính toán của ông Macron khi kêu gọi bầu cử quốc hội sớm với mục đích ngăn chặn sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Pháp.

bầu cử quốc hội Pháp vòng 2
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: REUTERS

Thế nhưng giờ đây nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu và cường quốc vũ trang hạt nhân duy nhất của Liên minh châu Âu (EU) đang rất gần với viễn cảnh có một chính phủ cực hữu lần đầu tiên, nếu kết quả vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội Pháp vào ngày 7-7 mang lại thế đa số tuyệt đối cho RN.

Cách 'khối Macron’ có thể đối phó phe cực hữu

Quốc hội Pháp gồm 577 ghế, như vậy, thế đa số tuyệt đối là 289 ghế.

Tuần rồi, Viện bỏ phiếu Ipsos ước tính RN có thể giành được từ 230-280 ghế trong quốc hội sau vòng bỏ phiếu thứ 2, không xa mức đa số tuyệt đối.

Nếu dự đoán của Ipsos là đúng thì phe cực hữu (bao gồm RN và đồng minh) có thể thương lượng và tiến tới thành lập chính phủ trong thời gian một tuần sau bầu cử, với lãnh đạo RN Jordan Bardella, 28 tuổi, có thể trở thành thủ tướng Pháp tiếp theo.

Việc phe cực hữu có đạt được đa số tuyệt đối hay dẫn đầu chung cuộc hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ hợp tác giữa liên minh của ông Macron và phe cánh tả. Liệu các đảng này có đặt sự khác biệt của mình sang một bên và đoàn kết để đánh bại phe cực hữu hay không?

23BSCRDD6BOATGG5ULVTY222RI.jpg
Bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia. Ảnh: REUTERS

Việc các đảng phái và cử tri cùng nhau chống lại phe cực hữu, đặt sự khác biệt của họ sang một bên để đánh bại ứng cử viên cực hữu được biết đến là chính sách “cordon sanitaire” (tạm dịch: hành lang an toàn). Tuy nhiên nhiều người nghi ngờ về tính khả thi của chính sách này trước tình hình chính trị Pháp hiện nay.

Đối với liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Macron đã chỉ trích các chính sách của liên minh này mang tính "phá hoại nước Pháp”.

Đảng cực tả France Unbowed (Nước Pháp không khuất phục) và lãnh đạo của đảng này là ông Jean-Luc Mélenchon đã nổi lên như một “đối thủ không đội trời chung” đối với liên minh trung dung, thậm chí còn mạnh hơn cả bà Marine Le Pen của RN, theo Politico.

Cuộc bầu cử quốc hội Pháp là một quá trình phức tạp gồm 2 vòng, trong đó hai ứng cử viên (cùng tranh 1 ghế quốc hội) nhận được nhiều phiếu nhất ở vòng 1 sẽ đi tiếp vào vòng 2, hình thành cuộc đua song mã. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử vòng 1 vừa qua, ước tính có tới 315 khu vực bầu cử, một ứng cử viên thứ ba, thường là người thuộc liên minh của Macron, cũng đủ điều kiện bước vào vòng 2, hình thành cuộc đua giữa 3 ứng viên.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã kêu gọi cử tri "không bỏ phiếu” cho RN nhưng ông cũng ám chỉ rằng các ứng cử viên thuộc liên minh của ông Macron nên cân nhắc rời khỏi cuộc đua ba bên trong trường hợp một ứng cử viên từ “lực lượng cộng hòa” (chỉ các đảng cánh tả và trung dung) có cơ hội giành chiến thắng lớn hơn.

“Vì cánh tả đã biến ông Macron thành đối thủ lớn của mình, và ông Macron và ông Mélenchon đã trải qua nhiều tháng đấu đá chính trị với nhau, thật khó để khôi phục tình trạng cordon sanitaire. Chúng tôi cũng không biết liệu nó có tạo ra sự khác biệt với cử tri hay không” - ông Bruno Jeanbart, một nhà thăm dò ý kiến ​​từ hãng OpinionWay, nhận định.

Chiến thuật "thả con săn sắt, bắt con cá rô"

Sau khi đảng cực hữu RN giành chiến thắng chưa từng có tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, Tổng thống Macron phải đối mặt lựa chọn đau đớn, đó là rút một số ứng cử viên của liên minh trung dung của ông khỏi những khu vực bầu cử có 3 ứng viên và tập hợp sự ủng hộ cho ứng viên phe cánh tả để ngăn chặn phe cực hữu giành chiến thắng, theo tờ Politico.

Đài CNN đưa tin ngày 2-7 rằng hơn 200 ứng cử viên từ phe trung dung của Tổng thống Macron và liên minh cánh tả đã rút khỏi cuộc đua bầu cử quốc hội Pháp trong nỗ lực tránh chia rẽ phiếu bầu. Họ đã gạt bỏ những khác biệt của mình sang một bên với một mục tiêu ngăn phe cực hữu giành được thế đa số tuyệt đối tại quốc hội.

image (1).jpg
Chủ tịch đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia Jordan Bardella. Ảnh: AP

Sau vòng đầu tiên ở các khu vực bầu cử mà không có ứng cử viên nào giành chiến thắng hoàn toàn, một số lượng ghế chưa từng có - khoảng 315 - đã chuyển sang cuộc tranh đua ba bên với lợi thế nghiêng về RN. Tuy nhiên sau ngày 2-7, số lượng này giảm xuống còn 100 ghế sau khi các ứng cử viên trung dung và cánh tả quyết định rút khỏi đường đua để nhường cho ứng viên còn lại.

Theo nhà phân tích Antoine Bristielle (Pháp), chiến thuật này có thể ngăn cản một số ứng cử viên RN giành chiến thắng. “Đã có khả năng cao là đa số tuyệt đối thuộc về RN nhưng bây giờ với việc các ứng viên rút lui tôi nghĩ điều đó khó xảy ra” - ông Bristielle nói.

Liên minh Mặt trận Bình dân mới đã tuyên bố rút tất cả các ứng cử viên đứng ở vị trí thứ ba trong vòng đầu tiên. Trong khi đó, trong hơn 80 cuộc tranh cử ba bên các ứng cử viên trung dung của ông Macron đã bỏ cuộc để ủng hộ các ứng cử viên thuộc liên minh Mặt trận Bình dân mới.

Bà La Pen đã lên án cuộc thương lượng chính trị này. “Hành động rút lui và đưa ra hướng dẫn bỏ phiếu cho thấy sự khinh thường tồi tệ nhất đối với cử tri” - bà La Pen nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm