Đây không phải là thái độ tiêu cực, hả hê trước sai phạm của một cựu quan chức mà là đòi hỏi chính trực của dân chúng vào công lý: Hành vi xâm hại trẻ em phải bị trừng trị thích đáng!
Sở dĩ người dân trông chờ, mong mỏi tin khởi tố dữ dội như thế còn vì một lẽ: Người ta lo sợ một khả năng “trớt hướt” có thể sẽ xảy ra: Ông Linh không bị xử lý hình sự mà chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng!
Hành động xấn tới, gí bé gái để cưỡng ép ôm, hôn của cựu viện phó phải được gọi đúng tên là hành vi dâm ô mà Đại từ điển Tiếng Việt đã định nghĩa.
1. Công bằng mà nói, thực tiễn áp dụng tội dâm ô đối với trẻ em (trước đây) và tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (BLHS 2015) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Trong Thông tư liên tịch số 01 ngày 1-1-1998 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có hướng dẫn: “Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người phạm tội sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác”. (Dấu “…” thể hiện còn nhiều hành vi khác nữa).
Sau này, một số sách bình luận khoa học BLHS còn “zum” cụ thể hơn khi cho rằng người phạm tội phải sờ, hôn hít vào bộ phận sinh dục của trẻ em (hoặc bắt trẻ em làm ngược lại) thì hành vi của người đó mới đủ yếu tố cấu thành tội này.
Vậy là suốt một thời gian dài, bình luận này đã được nhiều cơ quan tố tụng “đóng đinh”, xem đó như một hướng dẫn để áp dụng. Đó cũng là lý do khiến nhiều vụ xâm hại trẻ đã không bị xử lý hình sự, trong đó có vụ mà, xin lỗi, người vi phạm dùng tay sờ mó vào ngực của bé gái nhưng vẫn thoát tội.
Trả lời Pháp Luật TP.HCMmới đây, ông Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao, cho rằng “đó chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả mà không phải là quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng”. Thế quan điểm chính thống của cơ quan tố tụng trung ương là sao? Ông Công cho biết sắp tới Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ có nghị quyết về điều này.
2. Vậy với vụ cựu viện phó sàm sỡ bé gái khi chưa có hướng dẫn thống nhất của TAND Tối cao thì sao?
Qua clip, ai cũng thấy ông ta có hành vi sấn tới gí bé gái vào góc thang máy rồi cưỡng ép ôm, hôn. Tuy nhiên, có một thực tế là nếu ông ta không thừa nhận, cơ quan tố tụng cũng khó chứng minh (bàn tay của) ông ta có sờ soạng vào vùng kín bé gái hay không. Đó chính là “điểm yếu” khiến dư luận lo ngại về khả năng ông ta thoát tội khi đối chiếu với các bình luận khoa học cứng nhắc như đã nói trên.
Trong một bài bàn về tội dâm ô đăng trên trang kiemsat.vn, ông Ngô Cường (nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TAND Tối cao) sau khi phân tích về giao cấu và các hành vi quan hệ tình dục khác, đã cho rằng: “Tất cả hành vi khác tác động lên nạn nhân nhằm thỏa mãn khoái lạc tình dục của mình đều có thể coi là hành vi dâm ô. Tức là chỉ sờ soạng lên thân thể nạn nhân đã bị coi là hành vi dâm ô”.
Có thể nói lập luận của ông Ngô Cường tuy chưa phải là đầy đủ nhưng cũng đã mang tính gợi mở, bao quát đầy đủ hơn trong cách hiểu về hành vi dâm ô.
Ngoài ra, Đại từ điển tiếng Việt (do Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa - Thông tin năm 1998) định nghĩa về dâm ô như sau: Dâm ô (tính từ): Ham muốn nhục dục một cách xấu xa, nhơ bẩn. Đối chiếu với hành động xấn tới, gí bé gái để cưỡng ép ôm, hôn của cựu viện phó, có lẽ hành vi này nên được gọi đúng tên là hành vi dâm ô mà Đại từ điển đã định nghĩa.
Đúng là BLTTHS 2015 không có chế định xử án bằng lẽ công bằng như trong BLTTDS 2015. Tuy nhiên, với những vấn đề chưa có hướng dẫn áp dụng thống nhất thì phải chăng cơ quan tố tụng vẫn có thể lấy cách hiểu phổ thông nhất như trong từ điển vừa dẫn để vận dụng? Đó cũng là bước ngoặt để chỉnh sửa, xóa cách hiểu sai lầm, áp đặt về hành vi dâm ô đã tồn tại trước giờ.
3. Công an và VKSND quận 4, TP.HCM vẫn đang tích cực xác minh, điều tra cẩn thận vụ ông cựu viện phó sàm sỡ.
Nếu vụ này được cơ quan tố tụng mạnh dạn xử lý hình sự, rất có thể bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm kết án ông ta với những lập luận chặt chẽ, thuyết phục sẽ được xem xét để đưa vào án lệ. Khi đó, nếu có hướng dẫn mới của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về tội này thì tốt, bằng không thì cơ quan tố tụng các cấp có thể viện dẫn đường lối xét xử trong án lệ này để áp dụng vào những trường hợp tương tự.
Thế nếu cơ quan tố tụng không khởi tố ông cựu viện phó thì sao? Có lẽ khi đó chúng ta cần phải nhìn nhận đây cũng là một “án lệ” rất xấu trong việc không trừng trị được bọn biến thái luôn rình rập, tấn công và xâm hại trẻ em - đối tượng yếu thế được cả xã hội và pháp luật bảo vệ đặc biệt - chỉ vì quy định pháp luật chưa rõ ràng.
Nhưng trên hết, thực tiễn vừa qua cho thấy đã có một “án lệ” khác đã và đang được thực thi: Dù có xử hình sự hay không, bọn biến thái nhơ nhuốc vẫn bị xã hội “kết án” nặng nề!