Ngày 18-12, báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM cho thấy từ năm 2011 đến 2015 không có vụ việc liên quan ATVSTP bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, năm 2016, cơ quan chức năng chuyển cảnh sát điều tra đề nghị khởi tố hai vụ.
Vụ gần nhất vào ngày 13-6, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sản xuất nước mắm Thanh Tâm (quận Thủ Đức) chế biến nước mắm giả.
Cơ sở này sản xuất nước mắm bằng cách sử dụng nước máy pha với muối bọt, bột chua acid citric, màu caramen, bột chống mốc, đường sodium cyclamate và bột ngọt. Nước mắm này sau đó được dán nhãn hiệu Tân Phú 16 độ đạm.
Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM ban hành quyết định phạt cơ sở Thanh Tâm 50 triệu đồng. Đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an quận Thủ Đức khởi tố về hành vi sản xuất nước mắm giả. Vụ việc đang trong quá trình khởi tố.
Thịt heo ngâm với chất Metabisulphite và huyết bò thành... thịt bò. Ảnh: TRẦN NGỌC
Vụ trước đó xảy ra vào ngày 3-2. Cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH Thương mại Bính Thạnh (quận 3) làm giả thịt bò bằng cách ngâm thịt heo chưa qua kiểm dịch với chất Metabisulphite (chất này không được dùng cho nhóm thịt) và dung dịch huyết bò. Thịt bò giả sau đó được phân phối cho các cửa hàng bán phở trên địa bàn TP.HCM.
Cơ quan chức năng chuyển vụ việc cho Công an quận 3 khởi tố về hành vi sản xuất thịt bò giả và đang trong quá trình khởi tố.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết chất Metabisulphite ngâm trong thịt có tác dụng khử mùi hôi, thịt có màu đẹp mắt. Tuy nhiên, chất Metabisulphite ảnh hưởng đến hệ hô hấp, thậm chí gây ngộ độc.