Chiều 1-10, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018, lãnh đạo Bộ Công an và UBND TP Hà Nội đã làm rõ câu hỏi có hay không chuyện công an đứng sau vụ bảo kê chợ Long Biên từ báo chí. Một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm của công luận là phương án đặt hai trạm BOT ở Cai Lậy khi điều này đang gây ra nhiều tranh luận trái chiều.
Nếu có bảo kê sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm
Tại cuộc họp báo, báo chí đặt vấn đề từ đầu năm 2018, một số tiểu thương chợ Long Biên có đơn tố cáo băng nhóm bảo kê tại chợ này nhưng một thời gian dài không ai giải quyết. Không những thế, đối tượng bị tố cáo liên tục có những hành động chèn ép người tố cáo. Hưng “kính” - trùm bảo kê còn thường xuyên khoe quan hệ với các sếp công an. Điều này khiến cho dư luận không khỏi nghi ngờ: “Có hay không việc đỡ đầu của các cơ quan chức năng, lực lượng công an trong các hoạt động của nhóm bảo kê tại chợ Long Biên? Bộ Công an, Công an TP Hà Nội có động thái gì trước những thông tin này? Sau vụ việc này, TP có kế hoạch rà soát tại các chợ khác không?
Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay trước sự phản ánh của dư luận, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Ba Đình, Công an TP Hà Nội vào cuộc làm rõ “nghi án” bảo kê tại chợ Long Biên. “Trong vụ việc này, dứt khoát là phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm. Nếu một cá nhân nào bảo kê tại chợ Long Biên thì phải xử lý nghiêm minh” - ông Sửu nói. Cũng theo ông Sửu, toàn TP Hà Nội hiện có hơn 500 chợ và vẫn hoạt động bình thường. Tiểu thương vẫn buôn bán, phục vụ nhân dân. Trước sự việc liên quan đến chợ Long Biên, ông Sửu cho biết TP cũng đã chỉ đạo các ban quản lý chợ, UBND các phường/xã, quận/huyện phải đảm bảo cho tiểu thương buôn bán bình thường. “Còn chỗ nào xảy ra như ở chợ Long Biên vừa rồi thì phải xử lý nghiêm khắc” - ông Sửu nói thêm.
Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Khi vụ việc xảy ra ở chợ Long Biên có thể nói là khó chấp nhận, không chấp nhận”. Ông Sơn cũng đề nghị nếu có thông tin đầy đủ, chính xác về việc bảo kê của nhiều cơ quan, trong đó có công an thì báo chí cung cấp cho cơ quan công an. Hiện nay Công an TP Hà Nội đang vào cuộc một cách tích cực, trách nhiệm và với yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Công an là khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật sớm nhất. Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án này rồi.
“Nhân đây, chúng tôi cám ơn và đánh giá rất cao sự chủ động của báo chí đã vào cuộc và có thông tin ban đầu để công an vào cuộc… Chúng tôi tiếp tục ghi nhận thông tin nhiều phía cùng Công an TP Hà Nội điều tra, kết luận vụ này sớm nhất để xử lý đúng theo tinh thần của pháp luật” - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn (ảnh trên) và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đang trả lời báo chí về nghi vấn bảo kê ở chợ Long Biên. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Bộ GTVT nói về việc đặt hai trạm BOT ở Cai Lậy
Liên quan đến việc Bộ GTVT nêu quan điểm đặt thêm tuyến BOT trên đường tránh Cai Lậy, báo chí đặt câu hỏi: Phương án này đã là tối ưu chưa? Bộ có lường trước được tình huống lập thêm trạm phụ thì sẽ gây tiếp các hệ lụy khác?
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay việc làm tuyến tránh Cai Lậy dựa trên cơ sở là quốc lộ 1 đi qua khu vực đó mở rộng không hiệu quả nên phải làm cả hai phương án gồm: Làm tuyến tránh và tăng cường hệ thống thoát nước, mặt đường của đường cũ nên phải thu phí để hoàn vốn lại cho cả hai phần đầu tư này. Ông Đông cho rằng việc này đã được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết năm 2016, đánh giá, xác định nó không trái pháp luật.
Theo ông Đông, việc nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư thì phải thu phí để hoàn vốn. “Chúng ta cũng đưa ra phương án Nhà nước có thể mua lại phần này nhưng chúng tôi so sánh rồi, Nhà nước không có tiền. Còn về nguyên tắc nhà đầu tư bỏ tiền ra thì họ phải thu hồi vốn. Việc thu như thế nào thì phải đánh giá tác động và phải chọn phương án phù hợp nhất trong điều kiện đó” - ông Đông nói.
Ông Đông cũng cho biết Bộ GTVT đã so sánh hai phương án: Một là giữ nguyên trạm hiện hữu, giảm mức giá thu và hai là đặt hai trạm ở hai tuyến và thu cho phần nào hoàn vốn rồi thì dỡ trạm đó. “Sau khi làm việc với Tiền Giang thì Tiền Giang cũng đề xuất phương án chia hai trạm để đảm bảo công bằng hơn và thu đúng để hoàn trả lại nguồn đầu tư. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện phương án để so sánh, tiếp tục đánh giá tác động, tiếp tục làm việc với các cơ quan, các bộ, ngành để quyết định phương án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Đông cho hay.