Không cần truy cứu hình sự người vợ vụ sinh con khi chồng mới 13

(PLO)- Theo các chuyên gia, mặc dù đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng ở thời điểm hiện tại, không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự với người vợ bởi nhiều lý do.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên hai số báo ngày 21 và 22-4, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải vụ việc một phụ nữ sinh con khi người chồng mới chỉ hơn 13 tuổi bị phát hiện thông qua hoạt động kiểm sát giải quyết việc ly hôn.

Mặc dù còn tồn tại những ý kiến trái chiều, tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng việc truy tố người vợ cần được cân nhắc kỹ lưỡng, để pháp luật không chỉ được thực thi nghiêm minh mà còn phải phù hợp với sự phát triển của xã hội và đảm bảo tinh thần nhân đạo mà pháp luật hình sự Việt Nam hướng tới.

Dưới đây là ý kiến phân tích của hai chuyên gia về vụ việc nêu trên:

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự

Hồ sơ thể hiện: Anh T sinh tháng 1-1995, chị N sinh năm 1990 nên lúc hai người có con chung là cháu LKT thì anh T mới hơn 13 tuổi, còn chị N đã 18 tuổi.

Đối chiếu với các quy định tại BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 thì hành vi của chị N có dấu hiệu của tội giao cấu với trẻ em tại BLHS năm 1999.

Trong vụ việc này, để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) thì cơ quan tố tụng phải xem xét thời điểm anh T và chị N phát sinh quan hệ tình dục lần cuối trước khi anh T đủ 16 tuổi.

Trường hợp cơ quan tố tụng xác định vụ này còn thời hiệu truy cứu TNHS thì một câu hỏi lớn được đặt ra là: “Nên chăng xem xét trách nhiệm hình sự với người vợ?”.

Anh T và chị N đã kết hôn, sống chung với nhau từ năm 2008 đến nay và hành vi giao cấu với trẻ em của chị N đã trải qua thời gian dài hơn 14 năm mới bị phát giác. Do đó hành vi nêu trên không còn tính nguy hiểm cho xã hội nữa, việc áp dụng hình phạt không còn đảm bảo mục đích của nó.

Khoản 1 Điều 25 BLHS năm 1999 quy định người phạm tội được miễn TNHS nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội.

Vì vậy, nếu cơ quan tố tụng xác định chị N phạm tội thì có thể miễn TNHS cho chị N. Điều này sẽ đảm bảo quy định của pháp luật, cũng như phù hợp tính nguy hiểm cho xã hội hiện nay và với thực tế quá trình hôn nhân của anh T và chị N.

TS LÊ NGUYÊN THANH, giảng viên Khoa luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:

“Cần có một ngoại lệ không truy tố”

Với vụ việc giữa chị N và anh T, không cần thiết phải truy cứu TNHS đối với chị N nhưng phải có nguyên tắc “tùy nghi truy tố” hoặc miễn tố để áp dụng.

Với hoàn cảnh của chị N, tôi cảm thấy băn khoăn về việc áp dụng khoản 1 Điều 25 BLHS năm 1999 để miễn TNHS đối với chị N, đó là trường hợp “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề cần đặt ra là liệu có cần thiết phải truy cứu TNHS đối với chị N vào thời điểm hiện nay hay không?

Quan điểm cá nhân tôi là cho dù vụ việc này còn thời hiệu truy cứu thì cũng không cần thiết, trên cơ sở cân nhắc lợi ích từ việc truy cứu TNHS đối với chị N và lợi ích của những người liên quan.

Có thể thấy hậu quả do hành vi phạm tội của chị N gây ra (nếu có) giờ cũng không còn nữa. Chị N và anh T cũng đã có thời gian chung sống hạnh phúc với nhau khá lâu (14 năm). Nếu trước đây hành vi phạm tội bị phát hiện sớm, chị N bị truy cứu TNHS thì tính đến thời điểm này có thể đã chấp hành xong hình phạt.

Theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn, chị N là người trực tiếp nuôi ba con, các cháu đều còn nhỏ, cần được chị N chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Nếu chị N phải chịu án tù, hậu quả để lại cho con của chị N chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích đem lại từ việc truy cứu TNHS đối với chị N.

Ngoài ra, việc phát hiện chị N có hành vi giao cấu với trẻ em là tình cờ thông qua công tác kiểm sát giải quyết việc ly hôn. Nếu hai vợ chồng vẫn chung sống hạnh phúc thì có thể mãi mãi không bị phát hiện.

Vì vậy, vào thời điểm hiện nay, nếu áp dụng nguyên tắc tùy nghi truy tố hoặc miễn tố, mặc dù đây không phải là tội ít nghiêm trọng để không truy cứu TNHS đối với chị N, sẽ phù hợp hơn.

Rất tiếc, theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành, nguyên tắc tùy nghi truy tố hoặc miễn tố như một ngoại lệ của truy tố bắt buộc vẫn chưa được ghi nhận để làm cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc không truy cứu TNHS đối với trường hợp như chị N.

Quy định về thời hiệu truy cứu TNHS

Điều 23 BLHS năm 1999 quy định thời hiệu truy cứu TNHS là năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng, 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn truy cứu TNHS mà người phạm tội lại phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm