Liên quan đến vụ việc chùa Ba Vàng tổ chức thỉnh vong, báo oán, giải nghiệp thu về hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, Giáo hội đã có văn bản chỉ đạo, tổ chức ngay buổi họp với trụ trì chùa Ba Vàng để làm rõ sự việc.
Đến nay, Đại Đức Thích Thánh Minh – trụ trì chùa Ba Vàng đã thừa nhận việc Chùa Ba Vàng tổ chức gọi vong, báo oán, giải nghiệp.
“Nếu đúng như báo chí phản ánh sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc vấn đề này. Giáo hội tiếp thu và không nương nhẹ”, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định.
Thượng tọa Thích Đức Thiện. Ảnh: Phúc Nguyên
Đức Phật không dạy thỉnh vong
Thượng toạ cảm xúc như thế nào khi xem hình ảnh và đọc bài viết về Chùa Ba Vàng trên báo?
Tôi thấy rất buồn cho hình ảnh của Phật giáo. Trong bối cảnh chúng tôi đang nỗ lực tập trung cho Vésak, đáng lẽ phải đón nhận nhiều tin vui thì lại phải đón nhận tin rất buồn, hướng sai cho xã hội.
Giáo hội không muốn xảy ra. Những sự việc thế này làm mất hình ảnh và những gì Phật giáo đóng góp đã được lịch sử ghi nhận.
Việc chùa Ba Vàng tổ chức giải vong có được Giáo hội phật giáo cho phép?
Nói về vong và oan gia trái chủ, giáo lý Phật giáo nhấn mạnh học thuyết về luân hồi nghiệp quả. Theo đạo Phật, tu là chuyển nghiệp, giải nghiệp và chỉ có chúng ta chứ không ai có thể giải nghiệp cho chúng ta, kể cả đức Phật.
Chúng ta chuyển nghiệp của mình bằng việc tu nhân, tích đức làm việc thiện, việc tốt, chuyển hoá những nghiệp xấu trong quá khứ mà không ý thức được.
Không ai biết trước được quá khứ của mình nên đức Phật dạy phải tu hành, tạo nhiều căn tốt, duyên tốt để chuyển hoá nghiệp của mình, chứ không có việc thỉnh một cái gì đó để giải oan nghiệp. Đức Phật không dạy việc đi thỉnh như hiện nay chùa Ba Vàng đang thực hiện.
Tôi chưa tham dự nghi lễ trực tiếp ở chùa Ba Vàng nhưng qua các clip trên mạng, tôi thấy có nhiều vấn đề chưa đúng với giáo lý nhà Phật.
Qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi thấy việc đem hình ảnh của nữ sinh ở Điện Biên vừa rồi bị những đối tượng xấu trong xã hội, đối tượng nghiện hút hãm hiếp và giết hại để giải nghĩa cho "oan gia trái chủ" thì hoàn toàn không đúng tôn chỉ, giáo lý đức Phật, không đúng chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thật sự không đúng với đạo đức xã hội.
Chúng ta không thể chấp nhận được việc đó, nhất là khi nó xảy ra ở 1 ngôi chùa nổi tiếng như Ba Vàng. Đấy là quan điểm cá nhân của tôi.
Sẽ có hình thức kỷ luật
Việc xảy ra ở chùa Ba Vàng có phải là hành động mê tín dị đoan?
Bàn về mê tín hay chính tín thì ranh giới mong manh. Tuy nhiên như tôi vừa nói không có việc thỉnh vong để hóa giải nghiệp, oan gia, đó là cái không đúng. Nghiệp của mình là tự mình phải làm việc tốt để hóa giải chứ không có việc đi thỉnh vong. Mà dẫn dắt người ta đi vào con đường tà kiến, mê lầm, đó là không đúng theo chính pháp.
Việc cúng giàn rất nhiều, rồi đưa ra hình thức cúng giàn trả góp, đấy cũng không phải là chủ trương của đạo Phật cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Như thầy nói Giáo hội Phật giáo không thừa nhận hình thức thỉnh vong nhưng chùa Ba Vàng dùng hoạt động này để thu hàng trăm tỉ đồng. Như vậy có thể xem đây là hành vi có yếu tố lừa đảo không?
Để kết luận việc này thì phải chờ cơ quan chuyên môn của chính quyền. Giáo hội chỉ khẳng định việc thỉnh vong là không đúng. Còn việc thu tiền của dân có vi phạm pháp luật nhà nước hay không thì thuộc chức trách của các cơ quan chính quyền
Liệu có sự dung túng của Ban Trị sự và trụ trì chùa Ba Vàng khi để phật tử Phạm Thị Yến tham gia thuyết giảng và xuất hiện trên rất nhiều sách hướng dẫn của chùa? Theo Thượng tọa nên xử lý vụ việc này như thế nào?
Việc thuyết giảng trong chùa Ba Vàng do sư trụ trì chịu trách nhiệm. Hình thức kỷ luật giao cho ban trị sự. Giáo hội có nhiều hình thức kỷ luật như xem xét còn đủ ủy tín và năng lực đảm nhận công việc trong giáo hội hay không, hay việc tham gia vào các hoạt động xã hội, quản lý tăng ni, nhân sự trong chùa thế nào…?
Những việc đó ban trị sự địa phương phải chịu trách nhiệm xem xét có hình thức cụ thể.
Hiện giáo hội đang chờ báo cáo rõ ràng từ Ban trị sư Giáo hội phật giáo Quảng Ninh. Tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật và chắc chắn Giáo hội phải nhìn nhận lại việc thuyết giảng, đặc biệt khi đưa lên mạng xã hội tạo ra xung đột như hiện nay.
Đây là hiện tượng cá biệt chứ không phải phổ biến ở các chùa. Ban Trị sự ở địa phương phối hợp với chính quyền quản lý các hoạt động ở chùa. Giáo hội có trách nhiệm quản lý tăng ni thành viên, chấn chỉnh việc đó nhưng vai trò tham gia của chính quyền địa phương rất quan trọng.