Không chỉ là chuyện bồi thường

Đây không chỉ là tin vui cho những người bị thiệt hại oan uổng mà còn tạo niềm tin cho dư luận rằng hành vi lạm quyền, sai trái của cơ quan nhà nước sẽ được xử lý.

Lâu nay, người dân đi kiện cơ quan nhà nước được ví như “con kiến đi kiện củ khoai”. Lần này những ngư dân nghèo đã thể hiện chính kiến và quyền khiếu kiện của mình. Công an tỉnh Hải Dương cũng đã kịp thời nhận ra những sai trái, thiếu sót và cùng ngồi lại bàn bạc, thỏa thuận việc bồi thường.

Trong một xã hội pháp quyền, pháp luật phải luôn được tôn trọng và thực hiện đầy đủ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Khi cơ quan nhà nước có hành vi sai trái thì đương nhiên phải có trách nhiệm bồi thường. Qua vụ việc này, có lẽ đối với cơ quan Công an tỉnh Hải Dương sẽ là một bài học kinh nghiệm xương máu trong việc xử lý nghiệp vụ, hiểu và vận dụng pháp luật cả về nội dung và thẩm quyền.

Điều dư luận quan tâm không chỉ dừng lại ở chuyện bồi thường mà còn là xử lý kỷ luật những cá nhân có hành vi sai trái gây thiệt hại cho ngư dân. Và cá nhân người làm sai phải có trách nhiệm gánh vác một phần tiền bồi thường theo mức độ lỗi của họ.

Về việc này, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã giao chánh Thanh tra Bộ Công an kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, làm rõ đúng, sai, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm và thông tin cho các cơ quan báo chí biết. Tuy nhiên, bước đầu trả lời báo chí, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Đại tá Cao Ngọc Lan chỉ cho biết những cán bộ dưới quyền đã có những “sơ suất và thiếu sót”. Nội dung trả lời này chưa làm công luận thỏa mãn. Những cái sai đó cụ thể là gì, ở mức độ nào? Do nhận thức và nghiệp vụ hay do động cơ nào khác? Những cán bộ cụ thể nào đã làm sai? Tất cả điều đó cần được làm rõ, người làm sai phải có trách nhiệm bồi thường và bị xử lý kỷ luật. Có như thế mới thật sự công bằng, bình đẳng.

MINH VŨ  (687/60/13 Lạc Long Quân,  quận Tân Bình, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm