Ngày 30-3, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết BV này đã có kết luận liên quan đến căn bệnh “ung thư” của bệnh nhân Ngô Ngọc Chạy (SN 1955, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre).
Tầm soát và hội chẩn nhiều chuyên khoa
Ngày 9-1, báo Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh xung quanh nghi vấn bệnh nhân Chạy cho rằng ông đã tự chữa khỏi ung thư gan di căn (http://plo.vn/suc-khoe/tu-chua-khoi-ung-thu-605880.html) sau khi được BV Chợ Rẫy khám và cho về. Theo ThS-BS Hồ Tấn Phát, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa-Gan-Mật, BV Chợ Rẫy, sau khi báo đăng, BV đã cử bác sĩ (BS) xuống nhà ông Chạy để tìm hiểu và thấy ông khỏe mạnh.
Sau đó, BV này đã mời ông Chạy trở lại để làm các xét nghiệm cần thiết và tầm soát với các chẩn đoán: Chụp MRI (cộng hưởng từ) bụng, siêu âm bụng, xét nghiệm sinh hóa, tầm soát viêm gan B, C và các dấu ấn ung thư. BV đã tổ chức hội chẩn nhiều chuyên khoa: khoa U gan, khoa Ung bướu, khoa Viêm gan, khoa Nội Tiêu hóa-Gan-Mật…
Chẩn đoán ung thư di căn do… cảm tính
Sau khi hội chẩn, BV kết luận: Ngày 16-4-2013, tức lần cuối bệnh nhân khám tại BV Chợ Rẫy, ghi nhận có tổn thương gan không nghĩ ác tính, trên nền bệnh nhân viêm gan, bụng có nước (báng bụng). Thời điểm tháng 2-2016, kiểm tra thì gần như không thấy gì hết. Kết quả MRI ghi nhận có một mảng nhỏ kích thước 7 mm ở phân thùy 8 của gan nhưng không nghĩ đó là u gan, cũng không có dịch ổ bụng. Kết quả xét nghiệm sinh hóa bình thường, các dấu ấn ung thư bình thường, không nhiễm viêm gan siêu vi B, C.
Ông Ngô Ngọc Chạy và vợ vui mừng vì đã khỏi căn bệnh “ung thư”. Ảnh: Tâm Phúc
BV Chợ Rẫy kết luận cuối cùng: Tình trạng ông Chạy ổn định (tức khỏe mạnh - PV).
“Lúc trước, BS chẩn đoán ung thư gan di căn đa ổ vì dấu chứng lâm sàng đều hướng BS nghĩ bệnh nhân bị ung thư ác tính nhưng hai lần bệnh nhân xin về và BS nghi ngờ theo cảm tính. Nghĩ đến bệnh lý ác tính để cố gắng tầm soát chứ không dám loại trừ, nếu không phải thì tốt cho bệnh nhân. Thật sự dạng bệnh này rất khó, phải phối hợp lâm sàng, cận lâm sàng mới kết luận được” - BS Hồ Tấn Phát nói.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ông Ngô Ngọc Chạy được BV Chợ Rẫy chẩn đoán: “K di căn gan, di căn phúc mạc, loét dạ dày tá tràng. Bướu tuyến ống dạ dày. Giãn tĩnh mạch F1. Nhiễm HP”. Do không có BHYT, gia đình phải bán đất để có tiền chữa trị nhưng đành chấp nhận cái chết vì BV đã chạy. Tuy nhiên, nghe dân gian mách bảo, ông đã uống mỗi ngày chín cái mật cóc và uống trong vòng một tuần lễ. Sau đó ông kiên trì dùng bột cóc (chế biến bột cóc bằng cách để nguyên da, mổ ruột bỏ hết nội tạng, dùng nồi đất rang cho cháy rồi tán nhuyễn). Mỗi ngày uống khoảng chín muỗng, chia làm ba lần và khỏe dần. Sau đó, ông Chạy uống nước từ lá đu đủ vàng và gốc cây sả (sao vàng) mỗi ngày cho xổ chất độc trong bụng. Bụng ông từ từ xẹp xuống và khỏi bệnh.
Nhiều người dân nghe tin đã tìm đến nhờ ông Chạy chỉ cách “chiến thắng” ung thư. Tuy nhiên, ông Chạy cũng thừa nhận không phải ai áp dụng cách trị liệu của ông đều khỏi bệnh.
Về trường hợp này, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp, BV Chợ Rẫy, đã cho biết để chẩn đoán chính xác là ung thư thì cần phải có kết quả giải phẫu bệnh lý xác định có tế bào ung thư. Nhưng cả hai lần bệnh nhân Chạy chưa có kết quả giải phẫu bệnh lý, thân nhân đã ký cam kết yêu cầu cho xuất viện về nhà, không đồng ý tiếp tục theo dõi. Tại thời điểm cho bệnh nhân xuất viện, BS điều trị chưa đủ chứng cứ để khẳng định ung thư nên vấn đề chẩn đoán bệnh tại thời điểm này vẫn là chẩn đoán sơ bộ.
Theo BS Việt, khoa Nội Tiêu hóa cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này. Cụ thể trong việc viết chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, thay vì viết “chẩn đoán hình ảnh u gan đa ổ, nghĩ nhiều đến ung thư di căn gan, phúc mạc” thì viết “K (ung thư) di căn gan, phúc mạc…” khiến bệnh nhân hiểu nhầm BV đã chẩn đoán xác định ung thư di căn gan, phúc mạc.
Ung thư tự khỏi chỉ là may mắn! BS Nguyễn Triệu Vũ, khoa Ung bướu-Ngoại Tổng quát, BV quận Thủ Đức TP.HCM, nhìn nhận là có một số ít ung thư có thể tự hết, người ta vẫn chưa rõ tại sao, có thể do miễn dịch. Thí dụ ung thư máu và một số bệnh ung thư ở trẻ em. “Nhưng thật ra khả năng tự khỏi rất thấp, nếu có chỉ là may mắn thôi. Không nên hy vọng tự khỏi mà không điều trị!” - BS Vũ nói. Còn một bệnh nhân đã bị ung thư, sau điều trị, BS chỉ dám tuyên bố là bệnh ổn định chứ không ai dám tuyên bố hết bệnh. Nếu một người mắc ung thư mà sau 5-7 năm bệnh nhân vẫn khỏe mạnh thì bệnh nhân đó có khả năng khỏi bệnh lên đến 95%, không phải 100%, một số ít bệnh nhân bị tái phát sau 20-30 năm. Chỉ khi nào bệnh nhân chết vì nguyên nhân khác thì lúc đó mới dám nói là hết bệnh ung thư. Một số xét nghiệm như thử máu, siêu âm, CT scan, PET CT cho phép đánh giá tình trạng bệnh tại một thời điểm, là yếu tố tham khảo, dự đoán nhưng không cho biết chắc chắn 100% là bệnh có tái phát hay không. Muốn biết bệnh có tái phát thì phải theo dõi theo thời gian. Còn chứng minh một người từng bị K (ung thư) thì phải dựa vào hồ sơ bệnh án, sinh thiết... BS NGUYỄN TRIỆU VŨ, khoa Ung bướu-Ngoại Tổng quát, |