‘Không có chuyện đăng ảnh Facebook phải xin phép’

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 72/2016 quy định về hoạt động nhiếp ảnh và quản lý nhà nước về hoạt động nhiếp ảnh. Nghị định có hiệu lực vào ngày
15-8. Tuy nhiên, một số câu chữ trong điều khoản này đã gây ra nhiều suy luận khác nhau.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật -  Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), cho rằng suy luận đó do một số người chưa đọc kỹ nghị định.

Không điều chỉnh Facebook

Cụ thể, nghị định này đề cập: “Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp”.

Phần giải thích về nghị định nêu rõ triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh bao gồm cả triển lãm trên mạng Internet, đồng nghĩa Internet cũng là phạm vi được cơ quan quản lý nhiếp ảnh theo dõi, bên cạnh các cuộc triển lãm ngoài đời thực.

Từ điều khoản này, những ngày qua trên mạng xã hội, nhiều người đã suy rộng ra là khi nghị định có hiệu lực, việc đăng tải bất kỳ ảnh nào lên mạng xã hội (trong đó có Facebook) cũng sẽ phải xin phép.

Ông Vi Kiến Thành lưu ý: “Nghị định 72 không có một dòng nào nói đến Facebook cả. Facebook không phải là phạm vi điều chỉnh và không được nhắc đến trong nghị định này”.

“Trong phần giải thích từ ngữ của Nghị định 72 có nhắc đến triển lãm trên Internet là khi ai đó lập ra một website có chủ đề, có người đứng ra tổ chức và mời gọi mọi người gửi ảnh vào website đó tham gia, đồng thời mọi người trong xã hội đều có thể truy cập vào website đó được” - ông Thành nói thêm.

Nói về lý do phải đưa ra quy định về việc triển lãm trên môi trường Internet, ông Thành cho hay: “Nghị định này động đến chỗ đó là cực kỳ khó và phức tạp. Nhưng chúng ta không đưa nó vào trong sự quản lý của nhà nước thì khi diễn ra những sự việc phức tạp, chúng ta bó tay vì không có văn bản nào nhắc đến việc này cả. Bây giờ chúng ta cần phải hiểu tinh thần của nghị định này như vậy” - ông Thành nói.

Một trang blog trên mạng có website riêng, các thành viên được tải ảnh của mình lên các tài khoản cá nhân. Ảnh: VT

Tính khả thi: Chờ đánh giá

Theo người đứng đầu Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm thì Internet là một lĩnh vực luôn luôn biến động, thậm chí ngày mai có khi đã có một hình thức triển lãm, phổ biến tác phẩm mới hoàn toàn mà bây giờ có khi còn chưa ai biết nó như thế nào.

Ông Vi Kiến Thành nói: “Có quan điểm quản lý nhiếp ảnh thì chỉ quản lý những triển lãm đơn thuần ngoài đời thôi, tôi cho đó là quan điểm không phù hợp với tình hình hiện nay. Lượng người xem ở trên triển lãm Internet rất đông, thậm chí đông hơn một triển lãm ở ngoài đời nên không thể không can thiệp được”.

Một vấn đề khác được nhiều người băn khoăn là tính khả thi của Nghị định 72 đến đâu, có quản lý hết được các cuộc triển lãm trên Internet không, chỉ quản lý các trang web có tên miền trong nước (có đuôi .vn) hay quản lý luôn cả các trang web nước ngoài.

Ông Thành cho biết: “Phải để nghị định đi vào cuộc sống, có sự triển khai. Ít nhất sáu tháng hay một năm sau thì mới đánh giá được”.

Nhiếp ảnh gia muốn đối thoại với cơ quan nhà nước

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiếp ảnh gia Na Sơn cho hay anh đang muốn được tham gia một cuộc tọa đàm với Bộ VH-TT&DL mà cụ thể là Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm để có thông tin rõ ràng về nghị định này. “Nghị định này có nhiều thuật ngữ, rộng quá và bị bao trùm quá. Tôi nghĩ cần một cuộc tọa đàm cho rõ ràng và cần một văn bản dưới luật hướng dẫn cho đúng chứ nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác nghệ thuật cũng như việc chụp ảnh của mọi người” - nhiếp ảnh gia Na Sơn nói.

_________________________________

Có những quy định trong Nghị định 72 thiếu sự rõ ràng, đây là căn bệnh chung của nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Chẳng hạn như ở Điều 5, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh, không được “vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự” thì phải được hiểu như thế nào.

Để tránh sự hiểu nhầm thì trước hết các văn bản quy phạm phải rõ ràng, cụ thể. Để có sự thống nhất, việc có một cơ quan thẩm quyền, có năng lực và độc lập trong việc giải thích pháp luật là rất quan trọng. Các quốc gia thường trao thẩm quyền giải thích này cho tòa án, cơ quan tiến hành việc xét xử đồng thời áp dụng và giải thích luật…

TS LÃ KHÁNH TÙNG, ĐH Quốc gia Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm