“Vấn đề nóng nhất mà báo chí phản ánh, dư luận quan tâm trong những ngày gần đây là giá đất công ở Khánh Hòa. Chúng tôi cũng muốn hiểu rõ hơn nhưng không có nguồn tài liệu”. Ông Phan Thông, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho hay tại cuộc tiếp xúc của thường trực HĐND tỉnh này với các PV báo chí hoạt động trên địa bàn chiều 29-6.
HĐND có nắm được tình trạng giao đất công giá bèo?
Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, nói rằng ông theo dõi liên tục, rất kỹ các thông tin mà một số báo như Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong những ngày qua về các dự án BT không qua đấu giá; giao đất, cho thuê đất vàng công sản giá thấp.
Đặt vấn đề với Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa, PV Pháp Luật TP.HCM nêu lại hàng loạt dự án BT không qua đấu giá, được tỉnh hoàn vốn bằng các khu đất vàng với giá quá thấp so với giá trị thực cũng như giá giao dịch trên thị trường. Những câu hỏi được PV gửi đến HĐND tỉnh, đó là trước khi cho thực hiện các dự án BT, UBND tỉnh có trình ra HĐND tỉnh không? Cụ thể, HĐND tỉnh có cho thực hiện các dự án BT Trường Chính trị, Trung tâm Đô thị - Thương mại - Tài chính - Dịch vụ - Du lịch Nha Trang, đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội, nút giao thông Ngọc Hội, nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang… không? Nếu HĐND tỉnh cho chủ trương thực hiện, vì sao không yêu cầu UBND tỉnh tổ chức đấu giá? Việc xin ý kiến Thủ tướng cho chỉ định thầu đối với nhiều dự án là chủ trương của HĐND tỉnh hay do UBND tỉnh tự xin?
PV dẫn Quyết định số 35A//2015/QĐ-UBND ngày 21-12-2015 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quy chế về tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh. Quy chế này quy định rõ quỹ đất được sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất. Nhiều khu đất mà UBND tỉnh đã giao cho các doanh nghiệp lẽ ra phải thực hiện đấu giá theo quy chế này. Thế nhưng tỉnh không áp dụng quy chế đấu giá mà giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá. Trong quá trình thực hiện các dự án BT, giao đất hoàn vốn, HĐND tỉnh có tiến hành giám sát không? Vai trò giám sát của HĐND tỉnh đối với các dự án này được thể hiện cụ thể như thế nào? Một thực trạng được báo chí phản ánh là khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê đất, giao đất cho các doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án, UBND tỉnh chỉ căn cứ vào Luật Đầu tư mà không căn cứ vào Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước cũng như các luật Đất đai, Đấu thầu… Điển hình là các dự án Trung tâm Điện ảnh - Dịch vụ văn hóa Sao Việt tại khu đất số 10 Hoàng Hoa Thám, dự án khu phức hợp của Công ty CP Thanh Yến tại khu đất Trường Chính trị ở số 01 Trần Hưng Đạo. “Thường trực HĐND tỉnh có biết tình trạng này không? Với cương vị trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Xuân Thân nghĩ gì khi tỉnh cho doanh nghiệp tư nhân thuê 974 m2 đất công ở số 10 Hoàng Hoa Thám trong 50 năm nhưng ngân sách nhà nước chỉ thu được 4,5 tỉ đồng?” - PV đặt câu hỏi.
Bên cạnh, PV đề cập việc Thanh tra Chính phủ đang thanh tra 35 dự án ở Khánh Hòa và đề nghị HĐND tỉnh cho biết trách nhiệm của mình trong việc giám sát triển khai các dự án trên. PV Tuổi Trẻ đề nghị tỉnh công khai 35 dự án đang bị thanh tra để báo chí, người dân biết tham gia giám sát, cung cấp thông tin.
Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết sẽ tiến hành giám sát các dự án. Ảnh: TẤN LỘC
Tỉnh Khánh Hòa cho doanh nghiệp thuê 1.000 m2 đất vàng trong 50 năm để chỉ thu được 4,5 tỉ đồng cho ngân sách. Ảnh: TẤN LỘC
“Làm sao tôi trả lời ở đây được!”
Trái với kỳ vọng của báo chí sẽ được tiếp nhận trả lời chính thức từ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Thường trực HĐND tỉnh chỉ ghi nhận mà không có ý kiến, trả lời cụ thể bất cứ câu hỏi nào. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thông cho rằng HĐND tỉnh nhiệm kỳ này thể hiện rõ hơn vai trò là cơ quan quyền lực của địa phương. Tuy nhiên, ông Thông cho rằng thường trực HĐND tỉnh không đủ tài liệu để trả lời các câu hỏi của PV. “Phạm vi cho phép được công bố bao nhiêu, chúng tôi phải theo luật định”. Theo ông Thông, khi nào có kết luận của cơ quan chức năng, trách nhiệm thuộc về ai thì sẽ xử lý theo quy định.
Theo ông Lê Xuân Thân, Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận tất cả ý kiến của báo chí và sẽ trả lời bằng văn bản trong vòng 30 ngày. “Làm sao tôi trả lời ở đây được! Chúng tôi sẽ trả lời theo Luật Báo chí. Chúng tôi không đứng ngoài cuộc mà luôn luôn theo dõi, giám sát các dự án. HĐND tỉnh sẽ đưa chương trình giám sát các dự án dùng vốn ngân sách và ngoài ngân sách vào nội dung kỳ họp sắp tới”. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Xuân Thân cho biết thêm Thường trực HĐND tỉnh sẽ chuyển các nội dung phản ánh, chất vấn của báo chí đến UBND tỉnh, yêu cầu trả lời theo quy định.