Điển hình như nhà chờ xe buýt đặt trước cổng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức). Đây là nơi có nhiều tuyến xe buýt đi qua: số 6, 8, 611, 141, 56, 89. Do đó, lượng hành khách không hề nhỏ. Hơn nữa, nơi này cũng là chỗ “làm ăn” của cánh xe ôm, quán nước, bán trái cây, bán thức ăn sáng. Không chỉ có vỏ chai, hộp xốp đựng thức ăn, vé xe buýt, bao bì mà còn có cả … vỏ trứng, rau hẹ đều được “tập kết” ở đây. Thậm chí cả những tấm băng rôn không dùng cũng đem vứt sau lưng trạm xe buýt, trông rất nhếch nhác.
Bạn Ngọc Mai (sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) bức xúc: “Mình không hiểu vì sao không đặt thùng rác ở các trạm xe buýt. Họ ăn uống xong trong thời gian chờ xe thì không biết vứt rác ở đâu . Rồi khi xe tới, họ vứt luôn xuống đất và cứ thế bước lên xe.”
Còn bạn Văn Thành (sinh viên trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM) chia sẻ: “Mình thấy bất tiện quá khi không có thùng rác ở những nơi thế này. Nếu có ăn uống gì trong thời gian chờ xe, thì mình “chịu khó” bỏ rác vào trong cặp hay cầm trên tay chờ đến nơi thuận tiện thì đem bỏ. Chứ vứt xuống đất thấy cũng kỳ kỳ. Nhưng bỏ rác trong cặp mang theo suốt tuyến đường dài cũng không hay lắm vì trong cặp có sách vở, laptop, rủi dính phải thức ăn thì bốc mùi dữ lắm ”.
Không riêng gì trạm xe buýt trước cổng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ngay trước khu du lịch Suối Tiên cũng chẳng khác nào “bãi rác công cộng”. Nơi này gần giống như bến xe buýt “mini” bởi không chỉ có các tuyến xe buýt như số 8, 19, 150, 601, 604, 10, 50, 33, 99, 76 đi qua mà còn có các loại xe khách đi các tỉnh vùng lân cận như Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Lạt,.. cộng thêm các hàng quán bán nước, bánh mì, xe ôm nên nơi này càng đông đúc, lượng rác cũng vì thế mà nhiều lên. Trước cổng Suối Tiên có đến 5 trạm chờ xe buýt “dã chiến” (trạm đơn giản chỉ có tấm biển thông báo nơi lên hoặc xuống xe) liền kề nhưng không trạm nào có thùng rác. Ở đây không chỉ có các loại rác thông thường như vỏ chai, hộp xốp đựng thức ăn, bao bì… mà còn có cả xỉ than tổ ong chất thành đống ngay trước “mặt tiền” khu du lịch Suối Tiên.
“Tôi chủ yếu đi bằng xe buýt nên chẳng còn lạ với những cảnh này. Ngay trước mặt tiền của một khu du lịch mà trông chẳng khác nào đống rác. Một phần do ý thức người dân, một phần cũng do không có thùng rác tại chỗ.” – bà Ngô Thị Vân (47 tuổi, Bình Dương) nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các trạm xe buýt dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn qua bến xe miền Đông, dù là trạm xe buýt có mái che hay là “dã chiến” đều không có thùng rác và trông rất nhếch nhác, bừa bãi như trạm xe buýt ĐH Nông Lâm, trạm xe buýt gần Khu chế xuất Linh Trung,…
Rất mong các cơ quan chức năng lưu tâm, la71p đặt các thùng rác cạnh các nhà chờ xe buýt, tránh tình trạng hành khách xả rác bừa bãi ra môi trường.
Một số hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được:
Nhà chờ xe buýt trước trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ngổn ngang rác
Không có thùng rác, những người bán thức ăn sáng trước cổng trường đành “cất kỹ” vào gốc cây ngay cổng trường.
Băng rôn, chữ chào mừng không dùng nữa cũng vứt ngay sau lưng nhà chờ xe buýt.
Lấy gốc cây làm thùng rác đỡ vậy!
Ly nước mía “bơ vơ” giữa trạm xe buýt vì chủ nhân không mang theo cùng
Kính thưa các loại rác trước trạm xe buýt khu du lịch Suối Tiên
Công nhân vệ sinh dọn rác vương vãi trước trạm xe buýt Suối Tiên
Nhà chờ xe buýt ĐH Nông Lâm
Nhà chờ xe buýt gần Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức)
Chủ nhân của 2 vỏ ly nước này không “đành lòng” vứt chúng xuống sàn nhà chờ xe buýt trên Đại lộ Phạm Văn Đồng “không cọng rác” này nên để chúng “ngay ngắn” trên chỗ ngồi.