Không có vùng cấm khi xử lý tội phạm thâu tóm ngân hàng

Họp báo Chính phủ ngày 5-9 được tổ chức khi Chính phủ mới họp được một ngày để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tám tháng đầu năm, dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, đồng thời thảo luận bước đầu về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Tuy vậy, vấn đề được báo giới quan tâm tại buổi họp báo lại là những biến động xung quanh việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, người được cho là liên quan nhiều đến hoạt động thâu tóm ngân hàng.

Làm sạch huyết mạch của nền kinh tế

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, không phải đợi đến khi có việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, Thủ tướng mới chỉ đạo. Trong phiên họp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng vừa qua, Thủ tướng đã nói đến loại tội phạm thâu tóm ngân hàng. Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế. Bất ổn của nền kinh tế trong những năm qua có nguyên nhân là hệ thống ngân hàng chưa thực sự vững mạnh, vì vậy tái cơ cấu ngân hàng là một trong ba trọng tâm.

“Từ lâu, khi đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang yếu kém, Thủ tướng đã lưu ý các cơ quan thanh tra, điều tra và cơ quan chức năng khác cần lưu tâm đặc biệt đến hiện tượng thâu tóm ngân hàng. Luật đã khống chế tỉ lệ nắm giữ cổ phần ở một tổ chức tín dụng của một cá nhân không quá 5% và tổ chức không quá 11% nhưng thực tế có những người đã lách luật để người thân, công ty sân sau nắm giữ cổ phần cao hơn, qua đó thao túng hoạt động ngân hàng… Trước tình hình ấy, quan điểm của Chính phủ là quyết làm trong sạch huyết mạch của nền kinh tế, bất cứ ai vi phạm pháp luật cũng phải bị xử lý, không có vùng cấm” - ông Đam nêu quan điểm của Thủ tướng.

Không có vùng cấm khi xử lý tội phạm thâu tóm ngân hàng ảnh 1

Tái cơ cấu ngân hàng là một trọng tâm làm trong sạch huyết mạch của nền kinh tế. Ảnh: HTD

Ông Đam cũng cho hay khi Chính phủ chỉ đạo những vụ án dạng này đã tính tới sự tác động, đảm bảo vừa nghiêm trị những người vi phạm, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng không bị ảnh hưởng. “Ông Kiên không giữ bất kỳ nhiệm vụ lãnh đạo nào tại Ngân hàng ACB nhưng tâm lý hoang mang vẫn xuất hiện trong người dân. Đó là do công tác tuyên truyền chưa bảo đảm. Nếu tới đây còn những tổ chức, cá nhân nào trong loại tội phạm này bị xử lý, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để hoạt động tín dụng không bị ảnh hưởng” - ông Đam nói.

Chỉ còn 5-7 tập đoàn

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng qua, tại cuộc họp báo, ông Đam cho biết tăng trưởng GDP đến giờ được khẳng định không thể đạt chỉ tiêu 6%-6,5% mà QH đề ra. “Cố gắng lắm, tăng trưởng kinh tế đến hết năm cũng chỉ đạt 5%-5,5%. Một số chỉ tiêu khác cũng khó hoàn thành, như việc làm, xóa đói giảm nghèo, che phủ rừng” - ông Đam cho hay.

Theo ông Đam, Chính phủ khẳng định năm 2013 vẫn phải kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo điều kiện cho phát triển bền vững những năm sau. Ông nói: “Khi Chính phủ kiểm soát chặt chẽ tín dụng như vậy, cũng có những ý kiến cho rằng cần nới lỏng để có tăng trưởng. Nhưng đến nay thấy vẫn cần tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, khống chế lạm phát. Không chỉ cho năm 2013 mà kiên trì cho cả một vài năm, đến cuối nhiệm kỳ này, kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là giải pháp căn bản để tái cơ cấu nền kinh tế. Còn nếu không kiên trì, quyết liệt thì rồi lạm phát sẽ quay trở lại, vĩ mô sẽ lại mất cân đối”.

Trước thông tin Bộ Xây dựng trình Chính phủ dừng thí điểm mô hình tập đoàn với Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tập đoàn Sông Đà, ông Đam cho biết Chính phủ đang tiếp tục thảo luận. Đến nay đã xác định sẽ thu hẹp diện thí điểm mô hình tập đoàn. “Từ 11 tập đoàn kinh tế hiện tại, tới đây có thể rút xuống còn 5-7, tập trung vào những lĩnh vực then chốt như dầu khí, viễn thông. Số còn lại sẽ giao về cho bộ trưởng các bộ quản lý ngành trực tiếp theo dõi, quản lý. Việc này nằm trong chủ trương chung là làm rõ và tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” - ông Đam cho hay.

Hôm nay (6-9), ngày họp cuối cùng của phiên họp thường kỳ, Chính phủ tập trung cho ý kiến, hoàn thiện một số dự thảo luật chuẩn bị trình QH kỳ họp tới. Trong số này có Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Thuế ở Việt Nam cao hay thấp?

Những ngày qua, một số cơ quan báo chí đã trích dẫn Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế của QH chủ trì xây dựng, trong đó có những phân tích mang tính phê phán, phản biện. Thông tin thêm về chủ đề này, ngày 5-9, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết đây không phải là một văn bản pháp lý, mà chỉ là tập hợp có lựa chọn bài viết của một số chuyên gia phân tích, bình luận về tình hình kinh tế trong nước.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết có những phân tích, trích dẫn chưa phản ánh đúng tình hình. Chẳng hạn, thông tin tỉ lệ động viên thu ngân sách ở Việt Nam ở mức 29% GDP, quá cao so với quốc tế, là chưa chính xác bởi phần thu đó bao gồm cả nguồn từ dầu khí và tiền sử dụng đất. Thống kê ở các nước khác không bao gồm hai khoản thu này.

Theo bà Mai, nếu loại trừ khoản thu từ dầu thô và tiền sử dụng đất thì mức động viên vào ngân sách ở Việt Nam chỉ khoảng 12%-14% GDP, thuộc nhóm trung bình thấp của thế giới. Còn với riêng thuế thu nhập doanh nghiệp, tính trung bình 83 nước được thống kê là 27%, trong khi Việt Nam là 16,32%. Thuế VAT, Việt Nam thu hai mức 5% và 10%, trong khi 88 nước được khảo sát đánh thuế ở mức 12%-25%. Đó là chưa kể hàng loạt khoản thuế, phí đánh vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đã được miễn, giảm…

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm