Đồng thời phải đặt vấn đề hiệu quả đầu tư vì đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện nay cơ chế chính sách để các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động còn nhiều bất cập, việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi. “Điều này dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm, đồng thời làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung cũng như hoạt động giám sát của Nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước đầu tư” - ông Dũng nói. Theo ông Dũng, để khắc phục hạn chế trên thì việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, để phù hợp với phạm vi điều chỉnh là việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN và giám sát các hoạt động này, Chính phủ đề nghị đổi tên luật thành “Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN”.
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN, dự thảo quy định chỉ đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới DN ở lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án thuộc ngành, lĩnh vực độc quyền Nhà nước; dự án ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời được phép đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ DN thuộc thành phần kinh tế khác khi Nhà nước điều chỉnh cơ cấu kinh tế, trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và các dịch vụ công ích. “Việc đầu tư vốn nhà nước vào DNNN phải đảm bảo nguyên tắc đúng mục tiêu, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát; bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào DN và công khai, minh bạch” - tờ trình nêu rõ.
Nhận xét về những quy định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển tỏ ý không hài lòng khi dự luật không đề cập đến nguyên tắc hiệu quả của việc đầu tư vốn nhà nước. “Có những DN chúng ta đầu tư với mục đích điều tiết là chính, không đặt nặng lợi nhuận. Nhưng có những DN chúng ta phải lấy lợi nhuận làm chính chứ không nói đến lợi nhuận, hiệu quả là không đúng. Nhà nước thu được cái gì khi đầu tư vào đấy phải đặt ra chứ” - ông Hiển nói. Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN, ông Hiển cho rằng phải thiết kế lại theo hướng Nhà nước chỉ đầu tư vốn vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia. “Các thành phần khác đã tham gia làm tốt rồi thì Nhà nước đầu tư vào đó làm gì nữa!” - ông Hiển nhấn mạnh.
THÀNH VĂN