Ngày 23-4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc về tình hình, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, ổn định phát triển kinh tế-xã hội, công tác nhân sự sắp tới và một số nội dung quan trọng khác.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.
Kiểm soát được dịch bệnh làm dân tin tưởng hơn
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ở nước ngoài đã đồng lòng, chung sức, quyết tâm phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thường xuyên, liên tục, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai, ứng phó và ngăn chặn dịch lây lan, có quyết sách cụ thể, kịp thời. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội; được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; uy tín, vị thế được nâng lên.
Thắng lợi bước đầu quan trọng này thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước...
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Chống dịch đi kèm phát triển kinh tế-xã hội
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều nhất trí cao với báo cáo đánh giá phòng, chống dịch COVID-19 và đề xuất các giải pháp vĩ mô nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, sớm khắc phục những ảnh hưởng do đại dịch gây ra.
Các ý kiến nhìn nhận tác động của dịch COVID-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng trên tất cả lĩnh vực, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, mà còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động...
Các ý kiến đồng tình cao với việc triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, cần đánh giá toàn diện tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, từ đó có những bước đi phù hợp, nới lỏng từng phần cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, nếu không xử lý tốt việc này, dân sẽ khó khăn.
Nhân sự đúng sẽ quyết định sự thành bại
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ còn tiếp diễn. Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, đại dịch COVID-19 làm rung chuyển thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của loài người, hệ lụy của nó với những dự báo có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009...
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Kết quả chúng ta làm được trong phòng, chống dịch COVID-19 đã củng cố niềm tin trong dân, tăng thêm uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, thể hiện rõ tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Công tác chuẩn bị đại hội có hai vấn đề quan trọng là chuẩn bị văn kiện và chuẩn bị nhân sự. Công tác văn kiện rất quan trọng nhưng công tác nhân sự phức tạp, khó hơn, nhạy cảm hơn, cần tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra định hướng để chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ. Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương, mà của cả hệ thống chính trị.
Nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ. Từng cơ quan, từng cấp, từng ngành phải làm cho tốt công tác đặc biệt quan trọng này, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, nhân dân lên trên hết, toàn tâm toàn ý lo cho công việc chung, trên dưới đồng lòng, đoàn kết nhất trí thì công việc mới trôi chảy, mới xứng tầm lãnh đạo đất nước trong bối cảnh tình hình mới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh công tác nhân sự là công tác vô cùng quan trọng nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ, chính sách…, dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm, khách quan. Trong quá trình lựa chọn phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu chuẩn, hiệu quả, uy tín của bản thân trong công việc… làm thước đo chủ yếu. Phải bố trí đúng người đúng việc, tạo êkíp ăn ý, đoàn kết, thống nhất tạo nên sức mạnh, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức, không đủ tài dẫn đến hại nước, hại dân...
Triển khai nghiêm túc việc hỗ trợ người dân Hội nghị thống nhất thời gian tới tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, xử lý vướng mắc về lao động, đẩy mạnh thông tin truyền thông, chú trọng hơn thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu... Triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết về an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xử lý nghiêm vi phạm. Các ý kiến nhất trí là Bộ Chính trị ra nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. |