Ông Hoàng Ngọc Giao, Viện Nghiên cứu Chính sách, pháp luật và phát triển, cho rằng: Đã đến thời điểm thuận lợi để thúc đẩy hai luật này ra đời. Bởi lẽ quyền con người và quyền công dân (trong đó có quyền tiếp cận thông tin và quyền lập hội) đã được quy định trong chương II của Hiến pháp 2013.
Nói về quyền tiếp cận thông tin, ông Giao cho biết đã có nhiều quy định về quyền này nằm rải rác trong các luật như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Báo chí, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ cơ sở… Tuy nhiên, các quy định ấy chỉ mới nêu trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước mang tính nguyên tắc. Đồng thời, cơ quan quản lý thông tin lại có quyền tự quyết định việc cung cấp thông tin và cách thức, quy trình cung cấp thông tin ở mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước lại khác nhau. Trong khi đó, vấn đề trách nhiệm, chế tài đối với hành vi cản trở, không cung cấp thông tin lại không rõ ràng và không khả thi.
Đáng lưu ý, ranh giới giữa thông tin được cung cấp và thông tin thuộc về bí mật Nhà nước không rõ ràng, dễ dẫn tới việc lạm dụng dấu mật. Ông Giao cho biết hiện nay có một pháp lệnh và nghị định quy định danh mục những thông tin nào là tuyệt mật và mật. Tuy nhiên, ít ai biết cụ thể cái gì là thông tin bí mật nhà nước nên dẫn đến có tình trạng một số cơ quan nhà nước tùy tiện cho rằng thông tin này là mật, thông tin kia là mật để né cung cấp thông tin.
Vì vậy, theo ông Giao, cần phải có quy định xác định rõ thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào không được tiếp cận. Khi cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin cần nêu rõ lý do và phải xử lý cán bộ, công chức từ chối cung cấp thông tin không đúng quy định…
T.HẰNG