Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Vinastas cho biết từ tháng 7 đến nay, sau 5 lần giá xăng dầu giảm liên tục thì đến nay giá cước vận tải hầu như không nhúc nhích, nhiều hãng taxi giữ nguyên giá cước. Tác hại càng nhân lên khi các doanh nghiệp, các mặt hàng khác cũng “neo” giá theo giá vận tải.
Ông Hùng cho rằng qua nhiều năm không giải quyết được câu chuyện giá xăng dầu giảm – giá cước không chịu giảm, cho thấy không thể thiếu biện pháp hành chính của Nhà nước can thiệp vào giá cước.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa (Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam), khẳng định bắt doanh nghiệp vận tải giảm giá cước bằng biện pháp hành chính, công văn yêu cầu thì không được, vì cơ chế thị trường, doanh nghiệp tự do quyết định giá.
Tuy nhiên, khoản 5 điều 11 Luật Giá có quy định DN phải điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ của mình phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Do đó, việc điều chỉnh giá cước theo biến động giá xăng dầu là nghĩa vụ phải làm của DN vận tải. DN không điều chỉnh giá là làm sai quy định, hoàn toàn có thể xử phạt theo Nghị định 109/2013, thậm chí có thể buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá bất hợp lý.
Ông cũng khẳng định DN có thể không giảm giá cước nếu chứng minh được tuy giá xăng dầu giảm nhưng có những chi phí đầu vào khác tăng giá làm cho giá cước không thể giảm được, ví dụ có tăng lương. Nếu các yếu tố hình thành giá đều ổn định mà trong đó có giá xăng dầu giảm thì DN phải giảm giá tương xứng.
Tuy nhiên, các diễn giả đều cho rằng biện pháp hành chính không thể thay đổi cơ bản giá cước mà cần thiết phải xây dựng một ngành vận tải mở rộng hơn, nhiều DN được tham gia vào ngành này để có giá cạnh tranh tốt hơn.
Tương quan giá xăng dầu – giá cước