Đường sắt xuyên qua nội đô là một nét đặc trưng của Hà Nội, trong đó đáng chú ý là đoạn đi lên cao để vào cầu Long Biên, vượt sang bên kia sông Hồng. Đoạn này bắt đầu từ điểm cắt đầu đường Điện Biên Phủ, thời gian qua trở thành điểm thu hút khách du lịch bởi các quán café đường tàu, rồi được tôn lên cao dần bằng kè đá, chạy dọc phố Phùng Hưng và phố Gầm Cầu. |
Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đi vào khai thác quãng năm 1902 cùng với cầu Long Biên, tuyến kè đá đường tàu dài khoảng 1,5km này có 131 vòng cầu rỗng, vừa để người dân hai bên đường tàu qua lại, vừa tạo cảnh quan kiến trúc cổ kính kiểu châu Âu lục địa. |
Tuy nhiên, những năm 1980 trở về trước, vì nhiều lý do, hầu hết các vòm cầu đá rất đẹp này bị bịt lại. |
Năm 2017, dưới thời cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Hà Nội có ý tưởng phục hồi lại các vòm cầu này, với mong muốn tái lập không gian văn hóa xưa, gắn liền với khu phố đi bộ quận Hoàn Kiếm. |
Triển khai kế hoạch này, Hà Nội đã thí điểm đục thông được 2 vòm cầu. Phương án là dựng khung, bệ sắt gia cố đỡ cho đường sắt phía trên. Trong ảnh: Vòm cầu đoạn gần phố Gầm Cầu tiếp giáp phố Hàng Lược sau khi được đục thông và gia cố. |
Dự án thí điểm đục thông vòm cầu đến nay dừng lại như vậy. Bên ngoài công trình được quây tôn, người dân “mượn tạm” vỉa hè bán hàng. Chưa biết bao giờ không gian dự kiến tổng diện tích 3.600m2 mới được tái tạo để đưa vào khai thác văn hóa, thương mại. |
Trả lời PLO ngày 25-11, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết dự án này đang phải đợi Bộ GTVT phối hợp, bởi hạ tầng đường sắt thuộc quyền quản lý của cơ quan này. |
“Quận Hoàn Kiếm đã tham mưu cho UBND Hà Nội về vấn đề này” – đại diện Ban Quản lý nói. |