Chiều 26-2, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.HCM (PC64) đã tổ chức thông tin cho báo chí về một số vấn đề trách nhiệm quản lý của phòng liên quan đến vụ nổ tại nhà do ông Lê Minh Phương thuê (384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3).
Chưa có cơ quan quản lý việc tạo hiệu ứng khói lửa
Đại tá Nguyễn Văn Dung, (ảnh) Trưởng phòng PC64, cho biết: Theo hồ sơ, Công ty TNHH sản xuất phim Lạc Việt (tên cũ là Công ty TNHH Tháp Đôi Phim) đăng ký địa chỉ tại số 62/135/45B Lý Chính Thắng (phường 8, quận 3), đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2006 và đã thay đổi đăng ký kinh doanh chín lần. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là hoạt động bổ trợ cho công nghiệp phim ảnh và video; hoạt động kinh doanh bổ trợ cho sản xuất phim và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: tạo hiệu ứng khói lửa cho phim và biểu diễn…
Ở lần thay đổi thứ tư vào năm 2007, ông Phương là người đại diện theo pháp luật. Trong số chức năng hoạt động, có “mua bán, sửa chữa, tân trang súng săn, súng hơi; sản xuất súng đạn, súng săn, đạn súng hơi”.
Ngoài ra, ông Phương còn tham gia thành lập hai công ty: Công ty CP Truyền thông Lạc Việt (trụ sở quận 12) và Công ty CP Công nghệ giải trí Lạc Việt (tại xã An Phú, Củ Chi) do vợ ông Phương đứng tên.
Đến nay các công ty trên đều còn hoạt động nhưng không có công ty nào đăng ký hoạt động kinh doanh tại nơi xảy ra vụ nổ (384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3).
Đại tá Dung khẳng định theo quy định của Bộ Công an thì hoạt động của Công ty TNHH Sản xuất phim Lạc Việt không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Đồng thời, tuy đăng ký hoạt động “tạo hiệu ứng khói lửa cho phim…” nhưng không có nghĩa công ty này được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng vật liệu nổ để tạo hiệu ứng khói lửa.
Báo Thanh Niên hỏi: “Hoạt động tạo hiệu ứng có sử dụng vật liệu nổ thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan nào?”. Đại tá Dung cho biết hiện nay chưa có quy định giao cho cơ quan nào quản lý nhà nước về các hoạt động tạo hiệu ứng khói lửa. Trước đây, bộ phim Người Mỹ trầm lặng có hiệu ứng cháy nổ, khói lửa, hãng phim phải nhập vật liệu nổ công nghiệp. Cục C64 cấp phép để hãng phim được phép mang vật liệu nổ vào Việt Nam, cảnh cháy nổ do người nước ngoài phụ trách, có thông báo cơ quan chức năng. PC64 và cảnh sát PCCC chỉ tham gia giám sát chặt chẽ an toàn cháy nổ, kiểm tra số lượng sử dụng, còn lại bao nhiêu phải tiêu hủy… mà thôi.
Giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty ông Phương. Ảnh: ÁI NHÂN
Phải hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền
Báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Vụ nổ với sức công phá gây ra hậu quả lớn như thế, dư luận rất quan tâm. Đã có kết luận giám định về vật liệu nổ là vật liệu nổ gì? Nguồn gốc từ đâu?”.
Đại tá Dung trả lời: Các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.HCM đang điều tra, giám định làm rõ.
Báo Tuổi Trẻ: “Theo quy định, việc quản lý vũ khí quân dụng, vật liệu nổ thực hiện như thế nào? Tổ chức, cá nhân nào được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ? Có hãng phim nào được cấp phép sử dụng vật liệu nổ không?”.
Đại tá Dung cho biết: Các loại vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng chỉ được cấp, sử dụng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Với vật liệu nổ công nghiệp, chỉ có doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (thuộc Bộ Quốc phòng) mới được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp khác có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (như khai thác đá…) thì phải được cấp giấy phép đủ điều kiện về an ninh trật tự do Bộ Công an cấp. Ngoài ra, muốn nổ mìn phải có giấy phép được phép nổ mìn do Sở Công Thương tại địa phương tiến hành nổ mìn cấp. Bên cạnh đó, khi vận chuyển vật liệu nổ phải có giấy phép của Bộ Công an. Ngoài ra việc lưu trữ, cất giữ vật liệu nổ thì cũng phải theo đúng quy chuẩn về kho bãi, khoảng cách với khu dân cư…
Ông Dung khẳng định: “Không có công ty, hãng phim nào trên địa bàn TP được cấp phép sử dụng vật liệu nổ để tạo hiệu ứng khói lửa. Để tạo hiệu ứng khói lửa cho phim mà phải sử dụng đến vật liệu nổ thì hãng phim, công ty sản xuất phim trong nước chỉ có thể hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) thực hiện.
Sẽ kiểm tra đơn vị tạo hiệu ứng khói lửa . Thưa ông, trong vụ nổ xảy ra tại nhà do ông Lê Minh Phương thuê, trách nhiệm quản lý của PC64 thế nào? Ông Phương hoạt động tạo hiệu ứng khói lửa đã lâu (gần 10 năm), trong nhà thuê và trụ sở công ty đều có chứa nhiều vật liệu nổ, phòng có kiểm tra, xử phạt lần nào chưa? + Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng Phòng PC64: PC64 được giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự do phòng cấp phép về an ninh trật tự. Với những doanh nghiệp như thế thì phòng có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra định kỳ, thường xuyên. Nếu có xảy ra sự cố gì trong lĩnh vực phân công quản lý thì phòng mới chịu trách nhiệm. Trong trường hợp ông Phương thì không thuộc quản lý của phòng, nên phòng cũng chưa kiểm tra hay xử phạt. . Vậy thì cơ quan nào chịu trách nhiệm cho sự mất an toàn của người dân? + Theo quy định, những sự việc như trên xảy ra tại địa phương nào thì trách nhiệm đầu tiên trước hết thuộc về địa phương đó. . Được biết, ngoài công ty của ông Phương, trên địa bàn TP vẫn còn những hãng phim, công ty khác có hoạt động tạo hiệu ứng khói lửa và có thể gây tai nạn tương tự. Phòng có kế hoạch gì để bảo đảm an toàn cho người dân? + Phòng đã đề xuất với Ban Giám đốc Công an TP sẽ phối hợp với Sở VH-TT&DL và Sở KH&ĐT rà soát lại, tổ chức, kiểm tra hoạt động các hãng phim, công ty có hoạt động như trên. . Xin cảm ơn ông. ÁI NHÂN Không được tùy tiện cất giữ chất nổ Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công Thương TP.HCM) cho biết: Theo Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì việc sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ nói chung (bao gồm cả vật liệu nổ công nghiệp) chỉ có doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được cấp phép. Các doanh nghiệp cần sử dụng vật liệu nổ có thể được cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (thuốc nổ và các phụ kiện nổ sử dụng cho mục đích dân dụng). Tại TP.HCM, từ năm 2002 đến nay Sở Công Thương chỉ cấp một giấy phép sử dụng vật liệu nổ cho dự án mỏ đá Long Bình (quận 9), đến năm 2006, mỏ đá này ngừng hoạt động, sở chưa cấp giấy phép thêm cho trường hợp nào. Doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc dầu khí, quyết định trúng thầu thi công công trình, phương án nổ mìn… Nghị định 39/2009 về vật liệu nổ công nghiệp nghiêm cấm “nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện”. Chỉ các tổ chức có giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn được đầu tư xây dựng kho chứa vật liệu nổ công nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng công trình, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định pháp luật liên quan. Vật liệu nổ công nghiệp phải được bảo quản tại các kho chứa, địa điểm thỏa mãn các yêu cầu về an ninh, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình…; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về cấu trúc, vật liệu xây dựng và thỏa mãn các yêu cầu về phòng cháy, phòng nổ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện, an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định liên quan… QUỲNH NHƯ |
ÁI NHÂN