'Không ít đại biểu suốt nhiệm kỳ ngán ngại phát biểu'

Không ít đại biểu suốt nhiệm kỳ ngán ngại phát biểu. Điều này trái với nhiều đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện được bản lĩnh của đại biểu Quốc hội, được cử tri và nhân dân gửi gắm nguyện vọng.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) là người nêu lên thực trạng này khi phát biểu góp ý Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, sáng 26-5.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy nói trong hai nhiệm kỳ có nhiều đại biểu ngán ngại phát biểu. Ảnh: QH

Cũng như các đại biểu khác, bà Thủy cơ bản tán đồng các vấn đề mà dự luật đã sửa đổi, bổ sung. Theo bà, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã thể hiện đầy đủ năng lực, phẩm chất mà người đại biểu Quốc hội phải có.

“Qua hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV tôi thấy từng đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu nữ, đại biểu Quốc hội chuyên trách rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện rõ bản lĩnh, kỹ năng cần có của người đại biểu Quốc hội, được cử tri và nhân dân tin tưởng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng” - bà nói.

Tuy nhiên đại biểu tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng trong tổng số 500 ĐBQH chủ yếu vẫn là ĐB kiêm nhiệm, chọn theo cơ cấu đại diện. Do vậy, vai trò của Quốc hội, chất lượng của từng ĐBQH vẫn chưa thực sự bảo đảm, chưa phát huy đúng tầm, đúng trọng trách của Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân.

“Thực tế cho thấy vẫn còn không ít đại biểu Quốc hội trúng cử nhưng suốt trong quá trình hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội vẫn còn ngán ngại phát biểu thảo luận tại tổ và nghị trường. Hoặc có đại biểu phát biểu nhưng nội dung chuẩn bị chưa chu đáo, phát biểu chưa đúng trọng tâm, chưa đúng tầm của một đại biểu Quốc hội, chưa thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân”.

Theo bà Thủy, đây cũng là trăn trở của một Quốc hội cần phải đổi mới, thực chất hơn và thực quyền hơn. Từ đó, bà nói ĐBQH chuyên trách phải toàn tâm, toàn ý phục vụ Quốc hội, phục vụ nhân dân, là người có tâm, có đủ tầm, có trọng trách cao với quốc gia, dân tộc.

Còn ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng hạt nhân hoạt động của Quốc hội chính là ĐBQH. “Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho ĐBQH. Trước hết là năng lực pháp lý, thứ hai là các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH”, ông Vân nói.

ĐB Lê Thanh Vân cho rằng nếu 100% ĐBQH chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì Quốc hội cũng không bảo đảm được thực chất, thực quyền. Ảnh: QH

Theo ông Vân, năng lực lập pháp của ĐBQH là đáng chú ý nhất. Năng lực đó bao gồm quyền trình dự án luật, quyền sáng kiến pháp luật. Nếu hai quyền này không được bảo đảm thì quyền khởi xướng chính sách chắc chắn chỉ có thiên về duy nhất Chính phủ. “Lúc đó Quốc hội sẽ không còn nắm giữ được vai trò chủ đạo, đó là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp”-  ông Vân phát biểu.

Ông Vân cũng đề cập đến tính chuyên nghiệp của ĐBQH và đề nghị không nhấn mạnh đến số lượng ĐBQH. “Cho dù 100% ĐBQH là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của Quốc hội cũng sẽ không bảo đảm được thực chất, thực quyền” -  ĐB Vân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm