Không khởi tố vì nạn nhân từ chối giám định lại

Bà Nguyễn Huỳnh Oanh (giáo viên một trường tiểu học ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đang khiếu nại đến các cơ quan chức năng, cho là giám đốc BV đa khoa huyện Cao Lãnh (đã sang làm phó giám đốc BV Tâm thần tỉnh Đồng Tháp) chỉ đạo cấp dưới cấp giấy chứng nhận thương tích cho em vợ không đúng trình tự thủ tục. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của bà.

Đánh nhau vì đòi nợ

Theo hồ sơ, tháng 2-2017, bà Oanh đi đòi 220 triệu đồng mà vợ giám đốc BV đa khoa huyện Cao Lãnh còn thiếu. Khi đến nhà một người dân, bà gặp ba người em gái của con nợ, trong đó có nguyễn Thị Thu Hương và xảy ra cãi vã, đánh nhau.

Hậu quả là bà Oanh và ba người em vợ của giám đốc BV đa khoa huyện Cao Lãnh bị thương tích.

Qua trưng cầu giám định, Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Tháp đưa ra kết luận: Tỉ lệ thương tật của bà Oanh và hai người em vợ của giám đốc BV đa khoa huyện Cao Lãnh là 2% và 7%. Riêng bà Nguyễn Thị Thu Hương là 12%.

Sau khi có kết quả tỉ lệ thương tích 12%, bà Hương đã yêu cầu khởi tố bà Oanh tội cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên, do có nhiều mâu thuẫn, bất nhất trong lời khai và hồ sơ nên cơ quan CSĐT yêu cầu bà Hương hợp tác giám định lại để có căn cứ vững chắc cho công an thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo nhưng bà Hương không hợp tác, không đi giám định lại. Vì vậy, cơ quan tố tụng huyện Cao Lãnh quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Bà Nguyễn Huỳnh Oanh tố cáo đến các cơ quan chức năng nguyên giám đốc BV đa khoa Cao Lãnh bênh vực em vợ khi cấp giấy chứng nhận thương tích. Trang sổ ghi dấu vết thương tích không nằm viện của bà Nguyễn Thị Thu Hương. Ảnh: H.DƯƠNG

Bất thường hồ sơ bệnh án

Dù không bị xử lý hình sự nhưng bà Oanh khiếu nại đến cơ quan chức năng, cho rằng giám đốc BV đa khoa huyện Cao Lãnh chỉ đạo cấp dưới làm khống hồ sơ, sai lệch bệnh án dẫn đến kết luận giám định pháp y không chính xác với ý đồ bênh vực người nhà bên vợ để đẩy bà vào tù...

Theo bà Oanh, sau khi xảy ra việc đánh nhau, lúc 20 giờ ngày 26-2-2017, bà Hương và hai người em đến BV đa khoa huyện Cao Lãnh khám, điều trị.

Tại đây, sau một giờ khám bệnh, bà Hương được các bác sĩ cho về. Dù không nhập viện, không có hồ sơ bệnh án nhưng gần một tháng sau thì bệnh viện cấp cho bà Hương giấy chứng nhận thương tích với chi tiết các vết thương.

Mặt khác, cùng ngày 8-3-2017, hai người em của bà Hương được bệnh viện cấp giấy chứng nhận thương tích số 14 và 15, trong khi bà Hương không nằm viện nhưng ngày 23-3-2017, bệnh viện cấp giấy chứng nhận thương tích số 05 (trong tháng mà số thứ tự cấp giấy lại nghịch nhau).

Bà Oanh nêu nghi vấn: Phải chăng sau khi giám định, tỉ lệ thương tật không đủ để khởi tố nên mới có thêm hồ sơ bệnh án và chứng nhận thương tích cho bà Hương để đẩy bà vào tù?

Chưa hết, theo hồ sơ, trong cuốn sổ giao ban của bệnh viện ngày 15-2-2017, giám đốc bệnh viện kết luận: “Kể từ ngày 16-2-2017, tất cả bệnh nhân bị tai nạn thương tích, nếu không nhập viện thì ghi dấu vết thương tích vào sổ đã có khoa cấp cứu”. Từ đó BV đa khoa huyện Cao Lãnh “đẻ” ra một cuốn sổ “Ghi dấu vết thương tích bệnh nhân không nằm viện năm 2017”. Bà Hương là người đầu tiên được ghi tên, phải hơn hai tháng sau mới có bệnh nhân thứ hai được ghi vào sổ này.

Theo quy định (Quyết định 4069/2001/QĐ-BYT) danh mục văn bản biểu mẫu được sử dụng trong các cơ sở y tế không có biểu mẫu nào như BV Cao Lãnh thực hiện. “Sổ ghi dấu vết không đúng về mặt hành chính, sai biểu mẫu. Còn giấy chứng nhận thương tích chỉ mang giá trị chuyên môn chứ không có giá trị pháp lý” - ông Đặng Ngọc Hiệp, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, nói.

Thế nhưng từ cuốn sổ trên, BV huyện Cao Lãnh đã cho ra giấy chứng nhận thương tích cho bà Hương!

“Tố cáo nhưng không cung cấp chứng cứ”

Không chỉ giấy chứng nhận thương tích của bà Hương có nhiều điểm bất thường mà của hai người em vợ giám đốc BV Cao Lãnh cũng có nhiều điểm bất nhất so với kết luận giám định nên bà Oanh khiếu nại.

Về khiếu nại của bà Oanh, Thượng tá Nguyễn Văn Rắc, Phó Trưởng Công an huyện Cao Lãnh, cho biết: Công an không nhận được đơn của bà Oanh về việc đề nghị xử lý giám đốc BV Cao Lãnh. “Quá trình điều tra, công an xét thấy tỉ lệ thương tật của bà Hương còn nhiều mâu thuẫn nên đã ra quyết định trưng cầu giám định lại nhưng chị nhất quyết không chịu, do đó không khởi tố đối với bà Oanh vì không đủ căn cứ xử lý. Cơ quan điều tra không thấy có dấu hiệu làm trái của giám đốc bệnh viện, đó chỉ là nhận định chủ quan của bà Oanh” - Thượng tá Rắc nói.

Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp mới đây cũng thông báo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo của bà Oanh, lý do tố cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ vi phạm. Ông Đặng Ngọc Hiệp, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm