Thức ăn đường phố từ lâu đã trở thành nhu cầu của người dân nhất là cư dân thành thị. Những bữa ăn vừa nhanh gọn, lại rẻ chính là lựa chọn hàng đầu của hầu hết dân lao động, sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp, trung bình... Điều đáng nói, bất cứ người tiêu dùng hay người bán hàng nào cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố, nhưng họ vẫn nhắm mắt cho qua.
Không khó để bắt gặp cảnh người bán hàng tay không làm đồ ăn cho khách. Hay chế biến thực phẩm như chiên, nướng thịt, cá ngay trên vỉa hè đầy khói bụi. Mặc cho pháp luật đã ban hành các quy định về an toàn thực phẩm .
Người bán hàng vô tư để tay không làm đồ ăn cho khách. Ảnh: T. Hà
Theo TS Phan Thế Đồng, Chủ nhiệm chương trình Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Hoa Sen, việc không đảm bảo các tiêu chuẩn của ATVSTP khi chế biến thức ăn, đặc biệt là thức ăn đường phố ẩn chứa nhiều hệ lụy cho sức khỏe .
"Điều đáng quan tâm đầu tiên của thực phẩm vỉa hè đó là sức khỏe của người bán hàng, chế biến thực phẩm. Bởi nếu họ bị mắc bệnh, trong quá trình tiếp xúc với thức ăn, đặc biệt là người bán thường không đeo găng tay khi chế biến thì bệnh đó có rất nhiều khả năng truyền qua người khác. Mà cụ thể là bệnh viêm gan siêu vi, chúng lây lan qua đường ăn uống rất nhanh. Thứ hai là điều kiện vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm như nồi niêu, chén bát, điều kiện mặt bằng, nơi chế biến thực phẩm không đảm bảo... sẽ khiến cho các loại vi khuẩn, nấm mốc bám vào thực phẩm, rồi đi vào cơ thể chúng ta".
Lý giải thêm điều này, TS Thế Đồng nêu rõ thức ăn đường phố, hàng xén thông thường không đảm bảo đủ các tiêu chuẩn của vệ sinh an toàn thực phẩm . Lấy ví dụ như các xe đẩy bánh mì, hay hủ tiếu... thịt, nước sốt khi chế biến ở nhà và mang ra bán không được bảo quản đúng cách như bảo quản lạnh sẽ có thể lây nhiễm vi khuẩn.
"Một con vi khuẩn vi trùng nếu gặp điều kiện thuận lợi (tức là môi trường thức ăn) thì chỉ cần 4-5 tiếng đồng hồ chúng có thể nhân lên thành hàng triệu con và nhiễm vào thức ăn, khi đó tỉ lệ gây ngộ độc thực phẩm sẽ rất cao. Một số con vi khuẩn không gây ngộ độc ngay lập tức, nhưng khi phát triển lên lại sinh ra các độc tố, và các độc tố này sẽ gây ngộ độc cho người tiêu dùng", TS Đồng giải thích.
Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cảnh báo nguy cơ các dụng cụ như chén bát, nồi để chế biến được rửa không đảm bảo, rất dễ dàng tồn dư hóa chất trong nước rửa chén hoặc không rửa hết các loại vi khuẩn còn tồn dư trong đó, đặc biệt là siêu vi gan.
Việc rửa chén bát... ở những hàng quán vỉa hè không được đảm bảo vệ sinh. Ảnh: LThoa
Tuy nhiên mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2018 về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thay cho Nghị định 178/2013/NĐ-CP. Theo đó các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng nếu vi phạm một số điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, mức phạt này được áp dụng tại Điều 15 của Nghị định khi các cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thực phẩm chín, thức ăn ngày sử dụng người trực tiếp chế biến không đội mũ, đeo khẩu trang, cắt ngắn móng tay và không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn dùng ngay.
Ngoài ra, hành vi bày bán, chứa thực phẩm bằng thiết bị, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh; nơi chế biến, kinh doanh có côn trùng, động vật gây hại hoặc nơi bán không có đủ dụng cụ để chế biến, bảo quản và sử dụng riêng với thực phẩm tươi sống và đã qua chế biến cũng bị phạt theo mức này.
Như vậy, khác với Nghị định 178, Nghị định 115 quy định phạt tiền và tăng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, không quy định phạt nhắc nhở hay cảnh cáo. Ngoài ra nghị định cũng có những quy định khác như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm, buộc tiêu hủy…
Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 20-10-2018.