GS Nguyễn Mại đã chia sẻ như trên tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản 2017 - Tác động chính sách” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 20-12.
Mặt khác, theo GS Mại, nếu TPP được thông qua thì cũng phải tới năm 2020 Việt Nam mới có thể khai thác được những lợi thế từ hiệp định này. Do đó ngoài TPP, doanh nghiệp Việt cần phải học Thái Lan, chú trọng vào Cộng đồng kinh tế ASEAN- AEC. Ví dụ rõ nhất cho việc người Thái khai thác tốt thị trường này chính là cuộc đổ bộ của các đại gia Thái vào Việt Nam vừa qua.
“Thị trường quan trọng của Việt Nam hiện nay là Cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC với dân số 650 triệu người. Nhưng đáng tiếc chúng ta không làm được như người Thái, Malaysia” - ông Mại bày tỏ.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình và nói rằng các chuyên gia đã trình lên Thủ tướng những phương án đối với việc Mỹ có thông qua hay không thông qua TPP. Cụ thể có ba khả năng xảy ra: Hoặc là Trung Quốc sẽ tham gia, hoặc TPP sẽ sụp đổ, hoặc TPP sẽ chậm lại vài năm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng có hay không TPP thì bất động sản và kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Bởi lẽ từ trước tới nay Việt Nam vẫn phát triển mà không có TPP. “Vấn đề chủ yếu hiện nay của bất động sản cũng như kinh tế Việt Nam là phải phát huy nội lực” - ông Nam nói.