Nhiều ý kiến góp ý giải pháp để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đất trúng đấu giá tại hội thảo “Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn và giải pháp” do Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Viện Kinh tế Xanh và trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức ngày 20-4.
TS Đoàn Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Định giá đất và kiểm định địa chính (Bộ TN&MT) cho biết không chỉ tại TP.HCM mà ở các địa phương tình trạng cá nhân, tổ chức bỏ cọc sau khi trúng đấu giá cũng rất nhiều.
Vì vậy, trong đề án sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sẽ theo hướng bổ sung nhiều biện pháp chế tài tăng nặng hơn.
|
TS Đoàn Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Định giá đất và kiểm định địa chính (Bộ TN&MT) |
Theo đó, tính đến 10-3-2022, cả nước mới chỉ có 7/63 tỉnh, thành phố có báo cáo thực hiện rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) gửi về Bộ TN&MT.
Đáng chú ý là trong số các địa phương có báo cáo lại không có tên các thành phố, đô thị lớn đã và đang xuất hiện nhiều trường hợp bỏ cọc đấu giá đất trong thời gian qua như TP.HCM, Hà Nội...
Tại Hội thảo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng hiện tượng "hét" giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức.
Nguyên nhân là do có nhiều sự lựa chọn, nhà đầu tư nảy sinh tâm lý đứng núi này trông núi nọ, sẵn sàng bỏ cọc nếu phát hiện mảnh đất nào sinh lời tốt hơn mảnh đất vừa trúng đấu giá.
Ngoài ra cũng có một số mục tiêu không trong sáng của nhà đầu tư bỏ cọc như làm tăng giá trị tài sản của họ ở các dự án bên ngoài. Theo ông Đính phải thẩm định kỹ càng về năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia đấu giá đất.
|
Nhiều ý kiến góp ý bổ sung quy định thẩm định chặt chẽ năng lực tài chính nhà đầu tư trước khi tham gia đấu giá và tăng nặng chế tài xử phạt bỏ cọc. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường ĐH Luật Hà Nội, góp ý nếu người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng thì cần có chế tài.
Chẳng hạn như ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị QSDĐ trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng theo ông Tuyến, cần bổ sung quy định trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian năm năm không được tham gia đấu giá QSDĐ.
Các biện pháp chế tài này nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đất trúng đấu giá, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu ngân sách, hoạt động tổ chức bán đấu giá cũng như môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.