“Tại sao Chính phủ cứ xin lùi Luật Biểu tình mãi thế?”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều đại biểu khác đã đặt câu hỏi như thế khi một lần nữa Chính phủ lại xin lùi thời gian trình dự án luật này tại ngày làm việc đầu tiên (17-2), phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Lùi nhiều quá rồi
Nhiều ý kiến tại UBTVQH đã không đồng ý với đề nghị này của Chính phủ vì cho rằng Chính phủ đã lùi thời hạn luật này quá nhiều lần, lần này lại xin lùi tiếp mà không ấn định thời gian cụ thể khi nào làm. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: “Luật Biểu tình đã lùi từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, bây giờ lùi vào thời điểm khác nhưng không ấn định là thời điểm nào. Vậy lý do là tại sao?”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh câu hỏi: “Tại sao Chính phủ cứ xin lùi Luật Biểu tình mãi thế?”. “Không làm được hay không chịu làm? Cứ bàn ra bàn vào mãi rồi. QH, Bộ Chính trị đã quyết định đưa vào trong chương trình làm luật rồi sao Chính phủ cứ lùi mãi” - Chủ tịch QH nói.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay: Theo chương trình QH đã quyết thì phải đưa Luật Biểu tình vào trong chương trình kỳ họp thứ 11, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì. Sau khi lùi dần đến tháng Giêng vừa rồi, Bộ Công an đã trình ra và lấy ý kiến của thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, sự phân tán trong các thành viên Chính phủ còn lớn. “Ví dụ như có cho người nước ngoài đề xuất biểu tình không? Người Việt Nam tổ chức biểu tình nhưng người nước ngoài có được tham gia biểu tình không? Do chưa chín muồi nên Thủ tướng đã kết luận ra nghị quyết vào báo cáo với UBTVQH xin lùi một nấc” - ông Cường nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
“Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước QH”
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh: “Biểu tình là quyền cơ bản của công dân từ rất lâu. Giờ cứ lùi đi lùi lại mãi không được. QH thống nhất kỳ họp thứ 11 sẽ cho ý kiến nhưng đến giờ Chính phủ nói xin lùi không biết đến bao giờ, lùi vô thời hạn. Chúng ta không thể để cho đối tượng xấu lợi dụng nói xấu chúng ta được. Vì biểu tình liên quan đến vấn đề dân chủ. Lùi thế này là không tốt về mặt chính trị”.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh phải sớm đưa dự luật này vào chương trình làm luật để đảm bảo quyền công dân theo đúng Hiến pháp. Đồng thời Chính phủ cũng cần có báo cáo với QH tại sao xin lùi thời hạn làm luật này quá nhiều lần.
Trước các ý kiến trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chốt lại: “Thời gian cho ý kiến để thông qua Luật Biểu tình QH đã thông qua. Giờ lùi Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước QH”.
Lần đầu tiên có đại biểu QH thực hiện quyền “sáng kiến lập pháp” Cũng tại phiên làm việc sáng 17-2 của UBTVQH, đại biểu (ĐB) QH Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đã xin trình dự án Luật Hành chính công bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và kỳ họp thứ 11 của QH vào tháng 3-2016. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, một sáng kiến xây dựng luật đã được một ĐBQH trình đưa vào chương trình làm luật của QH. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết đây là sáng kiến làm luật của một ĐBQH được đề xuất từ năm 2013, có quá trình chuẩn bị khá công phu, có sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, sự hỗ trợ của Văn phòng QH, Viện Nghiên cứu lập pháp, góp ý của nhiều chuyên gia, hội thảo…. Tán thành với việc đưa sáng kiến trên vào chương trình làm luật của QH, tuy nhiên ông Lý cho hay chất lượng của dự án luật này chưa đạt. Trong khi đó, sáng kiến Luật Hành chính công vẫn chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ. “Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc trình dự án Luật Hành chính công tại kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII là không khả thi. Do đó, đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016 và trình dự án luật này tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV (dự kiến vào tháng 10-2016)” - ông Lý nói. |