Ngày 24-2, tin từ Sở NN&PTNT TP.HCM cho hay, sau khi nhận được sự đồng ý của nhiều đơn vị liên quan, Sở đã đề xuất UBND TP cho bổ sung, tăng công suất các trạm bơm chống ngập thuộc dự án chống ngập triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Theo đó, tổng công suất các trạm bơm thuộc dự án chống ngập được thiết kế cho hai giai đoạn sẽ được triển khai thực hiện ngay trong giai đoạn 1.
Cụ thể, công suất các trạm bơm chống ngập sẽ được tăng từ 54m3/giây lên 96m3/giây. Kinh phí phát sinh do tăng công suất bơm khoảng 130 tỉ đồng (được lấy từ nguồn kinh phí dự phòng của dự án).
Trước đó, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, đơn vị thực hiện dự án giải quyết ngập triều cho TP.HCM (kinh phí gần 10.000 tỉ đồng), có đề xuất bổ sung thêm công suất các trạm bơm chống ngập ở các cống kiểm soát triều.
Theo Trung tâm Chống ngập, khi dự án 10.000 tỉ hoàn thành, một vùng rộng lớn với diện tích 570km2 sẽ hết ngập triều. Trong ảnh: Đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè hiện vẫn còn bị ngập triều thường xuyên. Ảnh: K.B
Theo Công ty Trung Nam BT 1547, với tình trạng đỉnh triều tăng cao cùng với những trận mưa có vũ lượng lớn (120mm) xuất hiện nhiều, các trạm bơm chống ngập tại các cống kiểm soát triều cần nâng công suất lên cao, gộp chung giai đoạn 2 (đến năm 2050) vào giai đoạn 1 (đến năm 2025).
Công suất bơm được đề xuất tăng cao nằm ở các cống kiểm soát triều Bến Nghé (quận 4), Tân Thuận (quận 7), Phú Định (quận 8)...
Công ty Trung Nam cho rằng nếu không tăng công suất các trạm bơm lên cao thì khi dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng hoàn thành, vào những lúc triều cao kết hợp với mưa lớn, tình trạng ngập cũng vẫn còn khó lường và không thể kiểm soát được.
Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết TP.HCM có tổng diện tích hơn 2 triệu km2 thì có hơn 876 km2 có địa hình trũng thấp với cao độ từ 1m trở xuống.
Hiện nay, những khu vực trũng thấp ở phía Nam TP vẫn thường xuyên bị ngập triều. Trong đó, ngập nặng nhất là hai tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) và Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè)...
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng là dự án chống ngập có kinh phí lớn nhất từ trước đến nay ở TP.HCM. Dự án có mục tiêu giải quyết tình trạng ngập nước cho cả vùng rộng lớn của TP với tổng diện tích hơn 570 km2.