“Không thể bắt dân đào nhà lên tạo hồ nước chữa cháy!”

"Yêu cầu hồ nước không có nghĩa là bắt dân đào nhà lên để tạo hồ nước được, có thể xem xét xung quanh đó có nguồn nước: ao, hồ… gì hay không. Mục đích của nghị quyết là nhằm tạo điều kiện để Cảnh sát PCCC thẩm duyệt, để cơ sở kinh doanh căn cứ theo đó biết để làm".

 “Cháy hết thì khỏi cần nghị quyết!”

Đại tá Phạm Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM khẳng định như vậy tại Toạ đàm Lấy ý kiến các chuyên gia cho Dự thảo Nghị quyết Triển khai thực hiện xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu về Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC 2001 có hiệu lực.

Tọa đàm do Ban Pháp chế HĐND TP.HCM phối hợp với Cảnh sát PCCC TP tổ chức.

Đại tá Phạm Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM

Thực trạng hỏa hoạn xảy ra tại các cơ sở kinh doanh đặc biệt là nhà ở kết hợp kinh doanh đang trong tình trạng báo động. Tuy nhiên nhiều cơ sở kinh doanh xây dựng từ trước khi luật PCCC có hiệu lực nhưng không đáp ứng các điều kiện an toàn về PCCC, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chuyên gia đại biểu nhấn mạnh việc ra nghị quyết là đúng đắn, cấp thiết thậm chí đến bây giờ mới làm là hơi muộn, là quá chậm.

Đại tá Trần Thanh Châu, nguyên Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Là một trong những người xây dựng soạn thảo Nghị quyết, Đại tá Trần Thanh Châu, nguyên Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM trăn trở tiến độ thực hiện quá chậm, từ 2014 đến nay 2017 đã gần 4 năm nhưng nghị quyết chưa thực hiện được.

“Chậm quá! Nếu làm chậm nữa thì hơn 1000 cơ sở cháy hết thì khỏi cần nghị quyết. Những cơ sở này xây dựng trước khi Luật ban hành nên sai phạm vẫn tồn tại, chúng tôi không xử lý được, vì xử lý phải theo luật. Bởi vậy cần có nghị quyết. Cần khẩn trương ban hành nghị quyết”, Đại tá Châu nhấn mạnh.

Gửi bài tham luận tới hội nghị, PGS.TS Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học PCCC (Bộ Công an) nêu: “Các thiếu sót thuộc về điều kiện an toàn và phòng chống cháy lan đòi hỏi bổ sung hoặc thay đổi kiến trúc nhà, công trình đã xây dựng; thiếu sót liên quan đến hệ thống PCCC có thể thiết kế, lắp đặt bổ sung để đảm bảo an toàn cho cơ sở. Điều này hoàn toàn có thể xử lý, khắc phục bằng những giải pháp kỹ thuật.”

Nên có kinh phí hỗ trợ cơ sở

Nhiều chuyên gia và các đại biểu tham gia tọa đàm cho là việc thực hiện nghị quyết là cấp bách và cần thiết nhưng để làm được nhà nước nên có sự hỗ trợ cơ sở.

Ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Đại diện huyện Bình Chánh cho biết Bình Chánh có khoảng 400 cơ sở kinh doanh. Ông chia sẻ, qua khảo sát thực tế, người dân cũng muốn xây dựng các hồ nước chữa cháy, các điều kiện khác vè an toàn PCCC nhưng không có tiền. Ông kiến nghị mong nhà nước hỗ trợ các cơ sở bằng các biện pháp như cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật...

Một số đại biểu cần có sự linh hoạt khi áp dụng nghị quyết để đảm bảo cơ sở tồn tại, trang bị phải tính khả thi, thực tế. Chẳng hạn nhà 15, 20 tầng chưa đủ điều kiện cầu thang thoát hiểm, hồ nước chữa cháy thì nên hướng dẫn cụ thể cho người dân trang bị phương tiện chữa cháy nào là phù hợp để tiết kiệm và thực sự hiệu quả.    

Phát biểu tổng kết buổi toạ đàm, ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP ghi nhận những ý kiến của các đơn vị, chuyên gia… Ban Pháp chế, Cảnh sát PCCC TP sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến, bổ sung vào các phương án, điều chỉnh nội dung Dự thảo Nghị quyết nhằm tăng tính khả thi trong việc tổ chức triển khai.

“Việc thực hiện nghị quyết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cơ sở tồn tại và đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn thành phố”, ông Trương Lâm Danh khẳng định. 

Trên thế giới người ta đã sản xuất ra ròng rọc, ống tuột, giây thả chậm…để phục vụ cho vấn đề thoát nạn, tại sao chúng ta không áp dụng? Không thể đưa ra một cách cụ thể được, ví dụ những tòa nhà cao 5 tầng trở lên mà sử dụng thang giây, thang kẹp tường thì rất nguy hiểm, phải dùng ống tuột. Khi có nghị quyết này thì mới có cơ sở để Cảnh sát PCCC thẩm duyệt. Hay vấn đề hồ nước,  không thể bắt dân đào nhà lên để tạo hồ nước được, có thể xem xét xung quanh đó có nguồn nước: ao, hồ…không thì có thể xem xét, chiếu cố.

(Đại tá Phạm Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM)

______________

TP HCM: 11 năm 131 người chết do cháy, nổ

Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn TP HCM xảy ra 2.647  vụ cháy, nổ làm chết 131 người và bị thương 419 người, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền hàng nghìn tỷ đồng. Trong tổng số các vụ cháy nổ nêu trên có 57 vụ cháy lớn gây hậu quả thiệt hại  nghiêm trọng, thuộc các cơ sở được đưa vào sử dụng trước khi Luật PC&CC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm