Thời gian qua một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các quận Bình Tân, Bình Chánh phản ánh: Năm 2014, họ đã thực hiện phương án chữa cháy lưu hành nội bộ và hồ sơ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) dưới sự hướng dẫn của cảnh sát PCCC. Năm 2016, họ tiếp tục bị yêu cầu làm lại dù hai cuốn nội dung không khác gì nhau nhưng lệ phí phải đóng mỗi lần làm là 2,5 triệu đồng.
PV đã trao đổi với Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM.
. Phóng viên:Quan điểm của ông như thế nào về những dư luận trên?
+ Đại tá Lê Tấn Bửu (ảnh): Phương án an toàn PCCC mỗi cơ sở phải tự làm, căn cứ tình hình thực tế ở cơ sở mình để nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì còn biết xử lý như thế nào. Đây là điều kiện bắt buộc chứ không phải làm giúp, làm giùm. Cơ sở doanh nghiệp, người dân phải làm hoặc làm lại hồ sơ theo quy định, theo hướng dẫn. Ví dụ loại phương án này là do cơ sở tự làm nhưng cơ sở còn gặp khó khăn ở số liệu, phân tích đánh giá. Trách nhiệm của cảnh sát PCCC là căn cứ vào tình hình cơ sở đó mà hướng dẫn cho người ta làm đúng chứ không phải làm cái đó để nhận tiền.
. Tức là không có một quy định, chủ trương nào cho phép cán bộ PCCC hướng dẫn hoặc làm rồi “thu phí” như thế?
+ Cảnh sát PCCC TP.HCM không có quy định, giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM không có chủ trương, việc hướng dẫn dân và doanh nghiệp làm rồi vòi vĩnh tiền là sai. Bình Tân, Bình Chánh đúng không? Đây là những trường hợp nhũng nhiễu, gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Khi phát hiện ra những trường hợp này, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.
Vụ cháy tại một tiệm kinh doanh đồ cưới tại quận 12 (TP.HCM) ngày 4-10-2016 làm ba người tử vong. Ảnh: N.TÂN
Hướng dẫn để người dân thực hiện đúng theo quy định là trách nhiệm của cảnh sát PCCC và không được phép nhận tiền. Đây là trách nhiệm của cảnh sát PCCC! Anh thông qua hướng dẫn để vòi vĩnh tiền bạc của dân là sai.
. Thực tế, khi phản ánh về những tiêu cực, nhũng nhiễu, người dân và doanh nghiệp sợ dễ bị ém nhẹm, bao che, trả thù. Làm thế nào để chắc chắn mọi thông tin phản ánh sẽ được xử lý, thưa đại tá?
+ Trường hợp anh A, anh B nhũng nhiễu, làm tiền người dân, nếu người dân và doanh nghiệp cảm thấy thiếu niềm tin cứ gọi trực tiếp cho tôi theo số điện thoại 0913.768.894. Tôi - giám đốc cảnh sát PCCC - đảm bảo an toàn bí mật cho người cung cấp thông tin và xử lý nghiêm những trường hợp này! Số điện thoại này luôn mở để tiếp nhận mọi phản ánh. Có lúc phải họp hành, không phải lúc nào tôi cũng nghe máy được, bà con có thể để lại tin nhắn, tôi sẽ kiểm tra, nếu đúng có sai phạm sẽ xử lý tới nơi tới chốn, quyết không bao che!
. Xin cám ơn Đại tá.
Tết này không có người chết, bị thương do cháy nổ Trong Tết Đinh Dậu 2017, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 30 vụ cháy và cứu nạn cứu hộ. Trong đó có 25 vụ cháy, chủ yếu ở nhà dân, lực lượng Cảnh sát PCCC TP trực tiếp xử lý 14 vụ, lực lượng tại chỗ xử lý 11 vụ. Trong bảy ngày nghỉ Tết không có vụ nổ nào xảy ra. Điều đáng mừng là số vụ cháy nổ giảm đáng kể, so với bảy ngày Tết năm ngoái giảm 52 vụ (tỉ lệ 67,53%). Không có người chết, bị thương do cháy nổ trong Tết năm nay. Nguyên nhân chính gây nên hỏa hoạn vẫn do sự cố về điện và bất cẩn đun nấu, thờ cúng. Nói về kết quả này, Đại tá Lê Tấn Bửu nhận định TP.HCM dân cư tập trung đông đúc, dạng nhà ở kết hợp kinh doanh nhiều. Trước Tết, nguy cơ cháy và thiệt hại nhân mạng do cháy rộ lên. Cảnh sát PCCC TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo cảnh sát PCCC phối hợp chặt chẽ cùng đoàn kiểm tra liên ngành tổng kiểm tra, xử lý những điểm vui chơi giải trí đông người: Karaoke, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng tiệc cưới, điều kiện lối thoát nạn. Tổng kiểm tra các kho chứa hàng hóa lớn, điện, sân bay, bến cảng… Chủ tịch UBND quận, huyện phải đứng ra chịu trách nhiệm nếu cơ sở xảy ra cháy nổ. Bên cạnh đó, lực lượng PCCC tổ chức ngay các hội nghị chuyên đề như hội nghị nhà chung cư, mời chủ đầu tư đến tuyên truyền, giải thích, kiên trì, quyết liệt xử lý những trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thành nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa dân vào ở… |