Không thể bỏ tù doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Đã gửi công văn tới Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để xử lý hình sự đối với hành vi nợ đọng tiền Bảo hiểm Xã hội (BHXH). Lý do mà Bộ đưa ra là năm 2012 số tiền nợ đọng BHXH lên tới trên 5.000 tỉ đồng. Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do chế tài xử lý hành vi vi phạm còn nhẹ, chỉ giải quyết ở mức dân sự. Do đó cần phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình nợ BHXH bằng biện pháp hình sự.

Chưa biết đề nghị này của Bộ LĐ-TB&XH sẽ được Bộ Tư pháp phản hồi thế nào nhưng nhìn từ khía cạnh pháp lý thì việc hình sự hóa hành vi nợ đọng tiền BHXH có thể lại là một trong những kiến nghị, đề nghị cấm đoán, phạt vạ vô lý đưa ra rồi rút lại mà dân gian vẫn thường gọi là “rung cây dọa khỉ”!

Chẳng cần nhắc, ai cũng hiểu BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Việc nợ đọng tiền BHXH của các doanh nghiệp sẽ làm ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước. Tuy nhiên, có trường hợp nào người tham gia bảo hiểm không nộp tiền bảo hiểm mà cơ quan bảo hiểm vẫn trả bảo hiểm cho họ không? Ngay cả trường hợp có tham gia bảo hiểm nhưng khi bị tai nạn, để lấy được tiền bảo hiểm người dân cũng chạy hết cửa này đến cửa khác mà chưa chắc đã được cơ quan bảo hiểm chi trả. Cho nên, việc xử lý đối với người không nộp tiền bảo hiểm cũng chỉ dừng lại ở việc vận động để người dân thấy được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm. Đối với loại bảo hiểm tự nguyện thì không thể bắt buộc mọi người phải tham gia. Ngay đối với bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, mà người tham gia bảo hiểm không nộp tiền bảo hiểm cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Hiện nay chưa ai thống kê xem có bao nhiêu chủ xe cơ giới không mua bao hiểm nhưng chắc chắn không phải là hàng ngàn người mà là hàng chục ngàn người. Nếu xử lý hình sự đối với người này, xã hội sẽ ra sao?!

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH trong thời gian qua là quá kém, chưa buộc doanh nghiệp phải nộp tiền BHXH đúng thời hạn, đúng số lượng nên để tình trạng nợ đọng tiền BHXH triền miên với số tiền rất lớn. Nếu cơ quan quản lý BHXH sử dụng tất cả biện pháp mà doanh nghiêp vẫn chây ì thì có thể kiện ra tòa án để giải quyết bằng vụ án dân sự để tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi xét xử; phạt tiền nếu một bên cố tình trốn tránh trách nhiệm... Tuy nhiên, theo thống kê của tòa án, hiện các vụ kiện về nợ đọng tiền BHXH hầu như không có.

Nợ đọng tiền BHXH vốn là quan hệ pháp luật dân sự và nó cũng như các trường hợp nợ đọng khác. Nếu Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH thì các ngân hàng cũng có thể đề nghị xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp, cá nhân nợ đọng tiền vay ngân hàng; các chủ nợ cũng có quyền đề nghị xử lý hình sự đối với các con nợ chây ì không chịu trả nợ. v.v…

Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi nợ đọng tiền BHXH chưa được quy định là tội phạm nên cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp hay cá nhân nợ đọng tiền BHXH. Còn nếu sắp tới Bộ LĐ-TB&XH hay Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cần có một tội phạm để trừng trị hành vi cố tình không nộp tiền BHXH thì không chỉ có hành vi nợ đọng tiền BHXH, mà còn nhiều hành vi nợ đọng khác cũng phải xử lý bằng hình sự cho nó… cân phân!

Người dân chưa hết hoang mang với những kiến nghị trời ơi đất hỡi, giờ lại tiếp nhận thêm một đề nghị vô lý nữa, cũng không lạ mấy!

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm