Còn không thì với loại tội đặc biệt nghiêm trọng như trường hợp này mà chứng cứ buộc tội chắc chắn thì không dễ để cho tại ngoại.
Quanh vụ ông Nén, tôi cho rằng phải thẩm định tính hợp pháp và tính chính xác của từng chứng cứ. Lời khai của ông Nén, lời khai của nhân chứng và phải thực nghiệm điều tra để làm rõ ông Nén có phạm tội không. Điều quan trọng là kiểm tra lại toàn bộ hộp chứng cứ đã sản sinh ra bản án sơ thẩm kết án chung thân ông Nén.
Theo các nguồn tin thì hai người bị tố cáo, người đã chết, người chưa tìm ra. Vậy giải quyết thế nào?
Xét về mặt chứng cứ, toàn bộ hệ thống chứng cứ để kết tội còn trong hồ sơ. Chưa tìm được người bị tố giác thì để đó tính sau. Còn các chứng cứ trong hồ sơ này phải thẩm định thật kỹ từng chi tiết. Lời khai ông Nén bị ép cung phải được đối chiếu với các lời khai khác, với vật chứng. Cơ quan chức năng phải thực nghiệm điều tra để làm rõ hết hệ thống chứng cứ đã thu thập được để kết án ông Nén.
Nếu toàn bộ hệ thống chứng cứ đã có mà vẫn không đủ cơ sở chứng minh ông Nén có hành vi phạm tội thì phải đình chỉ điều tra ngay. Không thể lệ thuộc vào việc có tìm ra người bị tố cáo hay không. Hai người này là cơ sở để hủy án nhưng nay chưa tìm ra thì phải căn cứ vào những gì đang có để đánh giá vụ án.
Lời khai của anh phó công an xã thời điểm đó, của anh Thành và người chạy xe ôm chở hai người bị tố cáo đi bán vàng đã cướp được của bà Bông… dù là chứng cứ gián tiếp nhưng cũng rất quan trọng để soi lại hệ thống chứng cứ dùng buộc tội trước đây. Nếu những lời khai này phù hợp với những điều không đúng trong quá trình thẩm định thì những lời khai này cần được coi là có giá trị chứng minh cho sự vô can của ông Nén.
Phải phá thế bế tắc, hai người bị tố giác có thể mãi mãi không tìm ra nhưng kho chứng cứ để sản sinh ra bản án còn trong hồ sơ. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Không chứng minh được thì phải coi người ta là không có tội.
Tại tòa, ông Nén phanh ngực để chứng minh bị nhục hình. Chứng cứ đâu mà chứng minh khi phòng hỏi cung chỉ có hai người. Lẽ ra phải thận trọng hơn trong việc kết án khi người bị truy tố tố việc nhục hình.
Tuy nhiên, tôi cũng có điều băn khoăn là án sơ thẩm kết án chung thân ông Nén đã có hiệu lực, vật chứng theo quy định đã bị tiêu hủy. Với những gì còn lại trong hồ sơ, liệu có đẩy việc điều tra đi vào ngõ cụt. Nếu có thể tìm ra hai người bị tố giác thì cũng coi chừng oan chồng oan nếu họ không thừa nhận mà hồ sơ buộc tội thì lại không đầy đủ.
Vụ án đã xảy ra từ hơn 17 năm trước, giờ luật đã thay đổi, trình độ người tiến hành tố tụng cũng thay đổi. Nay lấy cái hoàn thiện để yêu cầu tìm ra thủ phạm từ cái không hoàn thiện trước đây là bất khả thi.
Do đó, phải chứng minh được ông Nén đã thực hiện hành vi, còn không thì phải áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi, chứ không thể chờ đến khi tìm được thủ phạm thì mới coi là ông Nén bị oan. Án đã hủy một năm rồi. Suốt một năm qua nếu cơ quan tố tụng vẫn bảo lưu việc quy kết ông Nén có hành vi giết người thì phải truy tố ra tòa để tòa xem xét, còn không thì phải đình chỉ ngay, sớm ngày nào tốt ngày đó. Việc kéo dài vụ án sẽ gây đau khổ, thiệt thòi cho ông Nén. Ngoài ra, một ngày chần chừ còn làm tăng chi phí bồi thường mà ngân sách phải gánh. Và sau cùng là làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, làm mất đi niềm tin của người dân đối với các cơ quan này.
PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm
TAND Tối cao tại TP.HCM