Gần đây, có nhiều thông tin phản ánh việc giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần so với trước đây.
Giải thích về vấn đề này, ngày 25-5, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nêu rõ các loại sách giáo khoa mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Giá sách giáo khoa tăng tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh. Ảnh: HÀ PHƯỢNG |
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, sách giáo khoa với vật liệu tốt, chất lượng tốt thì chắc chắn giá thành sẽ cao.
Tuy nhiên, ông băn khoăn, liệu sách giáo khoa có cần sử dụng vật liệu, chất liệu tốt quá hay không? Liệu chất liệu và vật liệu đó có phù hợp và cần thiết với các em học sinh hay chưa?
Theo ông Lượng, quan trọng nhất với sách giáo khoa vẫn là giá trị nội dung của sách. Ngoài ra, thực hành tiết kiệm cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Vì vậy, các đơn vị phát hành cần tính toán về chất lượng in và vật liệu với các yếu tố tuổi thọ sách, đối tượng sử dụng sách…để đảm bảo giá cả hợp lý.
Ông Lượng cho rằng, điều cốt lõi là nhà nước cần có giải pháp để quản lý giá cả thật chặt chẽ, cần định giá, thậm chí hỗ trợ giá sách giáo khoa.
“Sách giáo khoa là một dịch vụ thiết yếu đối với người dân nên việc đảm bảo công khai, minh bạch về giá cả là hết sức cần thiết. Không thể vì lợi nhuận, lợi ích của một ai đó mà đẩy giá sách lên cao được”, ông Lượng nhấn mạnh.
Ông Lượng cho rằng đây là vấn đề cấp thiết cần giải quyết ngay. Chính vì vậy, các cơ quan bộ ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính cần đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, giám sát giá sách và cho người dân một câu trả lời sớm nhất.
Đại biểu Quốc hội nói về bộ sách lớp 1 giá gần 1 triệu đồng
03/10/2020
(PLO)- Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết nhiều Hiệu trưởng đặt ra phải mua sách này, sách kia để tham khảo, trong khi SGK là đã đầy đủ chương trình cho học sinh.