ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC LẦN THỨ IX-2015

Không tiếc thân mình cho chủ quyền Tổ quốc

Ngày 7-12, sau hai ngày làm việc, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã kết thúc. Tại đại hội, các đại biểu đã được nghe tham luận của các tấm gương điển hình tiên tiến. Có người tạo ra những sáng kiến giúp ích cho cộng đồng, có người ở nơi đầu sóng ngọn gió giữ vững từng tấc đất chủ quyền của đất nước…

Bảo vệ chủ quyền đêm 30 tết

Có mặt tại đại hội, Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy vùng 4 Hải quân (Bộ Quốc phòng), nhắc lại sự kiện 14-3-1988, ngày mà 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, nằm lại trong lòng biển khơi. Từ đó đến nay, các chiến sĩ hải quân cùng với cả nước đã quyết tâm giữ vững các đảo được giải phóng năm 1975 và đóng giữ, quản lý 21 đảo với 33 điểm đóng quân và vùng đặc quyền kinh tế trong thế trận kiên cố, liên hoàn, vững chắc.

Hội trường như lắng lại khi nghe Đại tá Nguyễn Công Sơn kể lại những chiến tích anh hùng của các chiến sĩ. Đó là thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, Thiếu tá Lê Minh Phúc, mặc dù bị thương nặng do tàu bị đâm va, trên người tám vết thương, đứt động mạch cánh tay, bị choáng do mất nhiều máu, vẫn giữ vững vị trí chỉ huy tàu cản phá, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Đó là cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông, trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014, lực lượng trực canh đảo phát hiện tàu nước ngoài tiến vào đảo, xâm phạm chủ quyền của ta, toàn đảo phát lệnh báo động chiến đấu, điện báo cáo sở chỉ huy các cấp, gác lại bữa cơm 30 tết…

Đại tá Nguyễn Công Sơn tự hào cho hay: “Đến nay, tỉ lệ tàu thuyền đánh cá của ngư dân và các lực lượng của ta vẫn chiếm ưu thế trên các khu vực biển, đảo Trường Sa, vừa làm nhiệm vụ đánh bắt, vừa tham gia đấu tranh, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc”.

Các đại biểu trong lực lượng vũ trang trên đường vào lăng viếng Bác. Ảnh: LĐO

Khẳng định ý nghĩa tồn tại

TS Nguyễn Bá Hải, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đưa đến hội trường những tâm tư về quan niệm sống của thế hệ trẻ ngày nay. Anh Hải bày tỏ: “Hãy bớt than thở và quy kết vào lỗi hệ thống, là do hoàn cảnh khách quan, hay do sự bất công nào đó. Chính chúng ta hãy nỗ lực không ngừng mỗi ngày bồi đắp giá trị tâm hồn của bản thân mình bằng những suy nghĩ và việc làm cụ thể tác động tích cực đối với chính bản thân, gia đình và cộng đồng”.

“Mỗi người phải thấy những cái xấu trong xã hội đều có trách nhiệm của mình trong đó” - anh nói. Theo anh, phụng sự cộng đồng vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để thanh niên hoàn thiện bản thân, để khẳng định ý nghĩa tồn tại của chính mình.

TS Nguyễn Bá Hải là chủ nhân của hàng loạt sáng kiến có lợi cho cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt nhất là sản phẩm kính điện tử dẫn đường, giúp tránh vật cản cho thương binh và học sinh nghèo khiếm thị với tên gọi Mắt thần 2.

Anh đưa đến thông điệp người trẻ hãy dám đối mặt với thất bại, khó khăn, bởi lẽ chính anh đã từng rớt từ độ cao 3 m vì điện giật khi đi hàn điện thuê kiếm tiền để học, đã phải đi bán sách báo, đồng hồ mắt kính dạo khi còn là sinh viên…

Chiếc bánh mì của ba

Em Nguyễn Thế Hoàn, học sinh lớp 12A1 toán Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội, là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế năm 2014 và đã xuất sắc giành huy chương vàng. Gây ấn tượng với người nghe bằng câu chuyện gắn với chiếc bánh mì của ba mình, Hoàn kể: “Em vẫn nhớ như in hình ảnh ba mỗi buổi chiều muộn trở về nhà với những chiếc bánh mì nhỏ chỉ vài trăm đồng cho chúng em. Lúc đó em chỉ vui mừng mà bỏ qua đi những nỗi vất vả của ba mẹ đằng sau nó”. Sau này Hoàn mới biết chiếc bánh mì đó không phải ba em mua sau mỗi buổi chiều đi làm về mà đó là một phần bữa trưa của ba, ba không ăn mà mang về làm quà cho em. Cũng nhờ những câu chuyện như thế mà Hoàn quyết tâm đền đáp công ơn ba mẹ bằng những thành tích học tập đáng nể. Trước đại hội, Hoàn khẳng định một cách chắc chắn: “Em sẽ biến những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi vất vả đó thành những tấm huy chương khác trong tương lai”.

“Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”


 
Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu chào mừng 1.800 đại biểu là anh hùng Lực lượng vũ trang, anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, vùng, miền, dân tộc, tôn giáo… và đại biểu người Việt ở nước ngoài về dự đại hội.

“Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong suốt 67 năm qua. Đồng thời, đại hội có ý nghĩa quan trọng động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tại đại hội, người đứng đầu Chính phủ đã phát động phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới