Chiều 9-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, cho rằng hiện nay vốn vay quá nhiều, vượt cả khả năng hấp thụ là khoảng 40 USD/người. “Hàn Quốc tỉ lệ vay ODA cao nhất cũng khoảng 10 USD/người. Nhiều nước khác đều thấp hơn. Cả Lào và Campuchia cũng đều giảm dần vay ODA” - ông Dũng nói.
Ông Phan Xuân Dũng cho rằng ngay cả Lào, Campuchia đều có xu hướng giảm vay ODA...
Theo ông Dũng, trong thời gian tới, nguồn vốn ODA vẫn quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, đề cập tới định hướng về vay ODA trong báo cáo của đoàn giám sát, ông Dũng nói: “Biết rằng nghèo và thiếu mới đi vay. Nhưng định hướng (như trong báo cáo - PV) mạnh mẽ quá. Viết thế nào cho “mềm mỏng”, chứ cả Lào, Campuchia họ còn tiến tới không vay ODA”.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiến nghị cần phải giảm dần vay ODA vì đó là xu hướng của các nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói ý kiến của ông Dũng rất hay, nhưng “làm ngay thì rất là gay”. “Đi vay cũng khó. Nên đưa ngay nhận định giảm dần hay tăng cường đều phải thận trọng” - ông Hiển nói.
Còn Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét có dự án vốn đội lên gấp hai lần định mức. “ODA, nhà nghèo thì phải đi vay nhưng phải giảm dần và tiến tới thôi không vay, chứ hiệu quả không cao lắm” - ông Phúc nói.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, có nhiều nguyên nhân như phải chịu các điều kiện áp đặt về tư vấn thiết kế, về nhà thầu. “Nếu chỉ vay tiền mà không chịu các điều kiện áp đặt thì rất hiệu quả, chứ đi vay mà bị áp đặt thì hiệu quả không cao” - ông Phúc nhận xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thì nhận định sử dụng vốn nước ngoài là “mảng rất lớn”, lượng tiền rất lớn nhưng trách nhiệm thuộc về ai và trách nhiệm đến đâu cần phải làm rõ.
“Có ba vấn đề: Thủ tục lâu do con người hay cơ chế, hay do năng lực? Xài tiền có phí không trong các dự án ODA này? Dự án xã hội nói là khó đánh giá nhưng nước ngoài người ta có tiêu chí đánh giá rất cụ thể.
Đơn vị nào chịu trách nhiệm đánh giá? Đề nghị Chính phủ xác định rõ ai chịu trách nhiệm theo dõi đánh giá các dự án ODA” - ông Bình bày tỏ.
Được biết báo cáo của đoàn giám sát về vấn đề này đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các địa phương.
Trong phần định hướng, đoàn giám sát cho rằng thời gian tới, Việt Nam phải tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí cao hơn trong khi nợ công, nợ Chính phủ tăng cao, sức ép trả nợ các khoản vay cũ tăng dần.
Vì vậy cần phải tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài gắn với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công.
Xây dựng chiến lược và kế hoạch trong từng giai đoạn cụ thể về huy động, sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với điều kiện nguồn vốn ODA, mức độ ưu đãi của nguồn vốn các nhà tài trợ. Điều này để tập trung nguồn lực đầu tư cho những lĩnh vực có tính đột phá, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần tính toán, cân nhắc, so sánh hiệu quả, chi phí so với vay trong nước, tránh lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phải được đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế-xã hội và tác động đối với nợ công.
Cuối cùng, cần phải giảm tỉ lệ cấp phát, tăng cường tỉ lệ cho vay lại để các địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn vay. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, người quyết định dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài.