Năm 2006, Thủ tướng Chỉnh phủ ra quyết định quy hoạch các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020. Theo đó, các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội và TP.HCM đang có trụ sở tại các quận trung tâm phải chuyển ra ngoại thành.
Sau khi quyết định này được công bố, TP.HCM đã phát triển 4 khu đô thị đại học. Tuy nhiên, sau 10 năm, những khu đô thị đại học đều đang trong tình trạng dự án treo và chưa có trường nào di dời được ra ngoại thành.
Dự án phải đắp chiếu
Từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đào tạo đại học hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á nhưng sau gần 10 năm cấp phép, dự án khu Đô thị đại học quốc tế Việt Nam chỉ là bãi đất hoang và đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép. Đây là dự án đã được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 1/7/2008 với diện tích 925 ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn cho Tập đoàn Berjaya. Tổng vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ đô la.
Sau 10 năm, khu Đô thị đại học quốc tế Việt Nam chỉ là một bãi đất hoang.
Theo thiết kế, Tập đoàn Berjaya sẽ dành hơn 100 ha để phát triển thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Sẽ có khoảng 10 trường đại học, cao đẳng sẽ di dời và xây dựng mới tại đây như: ĐH Y dược TP. HCM (10 ha), ĐH Mở TP. HCM (20 ha), CĐ Sư Phạm Trung ương TP. HCM (6 ha), ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TP.HCM (10 ha), CĐ Văn hóa Nghệ thuật (10 ha), ĐH Công nghiệp TP. HCM (50 ha)...
Ngoài các trường đại học, khu đô thị sẽ có thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông. Ngoài ra, dự án còn có khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…
Khu Đô thị đại học quốc tế Việt Nam đã được khởi công vào năm 2009 và sẽ hoàn thành theo nhiều giai đoạn 2011 – 2021. Tuy nhiên đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai bồi thường cho người dân. Phương án bồi thường, tái định cư cho người dân nằm trong dự án vẫn chưa được thông qua và triển khai.
Tương tự, quận 9 cũng dành hơn 200 ha đất tại phường Long Phước để xây khu đô thị đại học cho 6 trường đại học. Trong đó, khu số 1 rộng 50 ha là trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Khu số 2 rộng 5 ha sẽ xây dựng Học viện cán bộ TP.HCM. Trường ĐH Luật TP.HCM nằm ở khu số 3 rộng 29,66 ha. Khu số 4 rộng 13,69 ha là trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Khu số 5 rộng 19,51 ha xây dựng trường ĐH Tài chính Marketing.
Cuối cùng là khu số 6 rộng 16,48 ha của trường CĐ Tài chính Hải quan. Ngoài ra, khu đô thị đại học này còn dành hơn 17 ha làm ký túc xá, nhà công vụ, trung tâm thương mại dịch vụ… Đến nay chỉ có trường ĐH Luật TP.HCM đang lập hồ sơ triển khai dự án còn các trường khác vẫn chưa làm gì, dù đã được TP.HCM giao đất.
Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng khác cũng được giao hàng trăm ha đất ở Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7. Tuy nhiên, đến nay chỉ có duy nhất trường ĐH Tôn Đức Thắng là hoàn thành việc chuyển trụ sở chính về đường Nguyễn Hữu Thọ ở quận 7. Còn các trường được giao đất đều đang tận dụng diện tích nhỏ hẹp ở nội thành hoặc đi thuê mướn cơ sở để giảng dạy.
Con đường dẫn vào khu Đô thị đại học quốc tế Việt Nam lầy lội sau cơn mưa.
Không thể làm được
Hiện tại, trường ĐH Tôn Đức Thắng đã xây xong 5 block nhà, ký túc xá, sân vận động… trên diện tích 10 ha ở quận 7. Dự án này được khởi công năm 2008 và hoàn thành năm 2011. Nhưng trước đó, trường này từng lao đao và chậm khởi công dự án vì khâu giải phóng mặt bằng. Thậm chí vào cuối năm 2007, khi trường giải tỏa hết 99,9% toàn bộ diện tích thì phải mất 1 năm sau mới động thổ được chỉ vì một ngôi mộ.
Khi đó, UBND quận 7, Ban quản lý khu Nam Sài Gòn và Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận 7 đã họp rồi trao đổi văn bản qua lại, tìm phương án giải toả ngôi mộ. Để kịp khởi công dự án, trường ĐH Tôn Đức Thắng phải tìm cách thương lượng, nâng giá bồi thường thì mới giải tỏa được mặt bằng.
Năm 2006, trường ĐH Văn Hiến được giao mảnh đất 5,6 ha tại đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Phải 10 năm sau, trường mới giải tỏa xong và động thổ xây dựng vào tháng 8. Dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2017 – 2018.
Trong khi đó, sau rất nhiều năm đi thuê mướn thì trường ĐH Tài chính Marketing đã chuyển về cơ sở mới ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Trước đó, trường được UBND TP.HCM giao đất trong khu dự án của công ty cổ phần Vạn Phát Hưng. Trường phải mua lại đất của chủ đầu tư này. Việc không thống nhất về giá và không thu xếp được tài chính khiến trường không thể mua được mảnh đất đó.
Lãnh đạo trường ĐH Tài chính Marketing cho rằng, các trường phải tự đền bù giải tỏa đất mà TP.HCM giao cho để xây dựng cơ sở mới là không thể thực hiện được. Đây không phải dự án thương mại nên chủ đầu tư không thỏa thuận được giá đền bù với người dân. Người dân có đất trong dự án không chịu giá đền bù mà Nhà nước áp đặt nên không chịu giao đất cho các trường. Do đó, rất ít trường xây dựng được trụ sở mới và chuyển ra ngoại thành.
Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, TP.HCM không giao đất sạch thì trường không thể xây dựng được cơ sở ở quận 9. “Hiện tại, trường đã có tiền nhưng lại vướng thủ tục giải tỏa, đền bù. UBND TP. HCM cần hỗ trợ các trường trong khâu giải tỏa hoặc giao đất sạch thì may ra mới đẩy nhanh tiến độ di dời các trường ra ngoại thành”, bà Quỳ nói.
Lãnh đạo nhiều trường đại học cũng cho rằng, việc chậm tiến độ xây dựng cơ sở mới ở ngoại thành là do UBND TP.HCM giao đất nhưng để các trường phải tự đền bù giải tỏa. Trong khi số tiền dành cho việc đền bù, giải tỏa đất lại tương đương với tiền mà trường dành cho việc xây dựng cơ sở mới. Các trường lại làm nhiệm vụ giáo dục, nguồn thu hạn chế nên nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng là không thể làm nổi.
Bài tiếp: "Treo" luôn đời sống người dân