Sáng 28-11, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM phối hợp với Quỹ Bloomberg philanthropies tổ chức Hội thảo “Quản lý tốc độ giao thông, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng tại TP.HCM”.
Tại đây, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP Nguyễn Thành Lợi cho biết việc quản lý tốc độ đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Hiện TP.HCM cũng đang nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và sẽ triển khai thí điểm ở một số khu vực dễ tổn thương.
80% tai nạn giao thông do vi phạm tốc độ
Ông Lợi cho biết theo thống kê có gần 80% vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam đều do vi phạm tốc độ hoặc không làm chủ tốc độ.
“Vi phạm tốc độ là một hành vi phổ biến và có chiều hướng gia tăng vào các khung giờ thấp điểm. Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy cứ tăng tốc độ 10 km, tỉ lệ tai nạn tăng 30%; tỉ lệ tử vong tăng lên 80% nếu tốc độ tăng lên 50 km/giờ. Người đi bộ có khả năng sống cao sau va chạm nếu áp dụng tốc độ dưới 30 km/giờ”.
Theo ông Lợi, hiện Liên Hiệp quốc cũng kêu gọi hạn chế tốc độ trong nội đô dưới 50 km/giờ và 30 km/giờ tại các khu vực dễ tổn thương như trường học, bệnh viện, chợ.
Ban ATGT TP cho rằng TP.HCM cần quản lý tốc độ trong thời gian tới. Ban đã kết hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, đánh giá cho áp dụng biện pháp khuyến cáo với vận tốc thấp hơn vận tốc quy định 40 km/giờ (xe máy), xe cơ giới là 50 km/giờ.
Ông Lợi cho rằng ban đầu đề xuất trên có thể gây phản ứng. Tuy nhiên, việc áp dụng giới hạn tốc độ đã thực hiện ở nhiều nước trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản. Thậm chí, ở TP.HCM đặc biệt là khu vực trường học, bệnh viện người dân cũng “khó” di chuyển tốc độ trên 40 km/giờ, bởi lẽ mức độ lưu thông trung bình chỉ đạt 33 km/giờ.
Vì vậy, Ban cũng đã kiến nghị UBND TP và xin chủ trương thực hiện kiểm soát tốc độ ở một số khu vực dễ gây tổn thương. Sau khi được chấp thuận, Ban sẽ thực hiện thí điểm một số trường học để tổ chức khuyến cáo người dân giới hạn tốc độ khi đi qua khu vực này. Sau thời gian thí điểm, Ban và các tổ chức sẽ tiến hành đánh giá lại và báo cáo UBND TP.
“Ban và các đơn vị chức năng liên quan, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) đã tổ chức Hội thảo để cùng chia sẻ về các kết quả nghiên cứu, triển khai việc giới hạn tốc độ và cách vận dụng vào Việt Nam” - ông Lợi nhấn mạnh.
Tại sao phải giới hạn tốc độ?
Chuyên gia của WRI cho biết từ năm 2015 đến nay WRI đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao giải pháp an toàn giao thông ở các nút giao, tuyến đường quan trọng ở Việt Nam.
TP.HCM cũng đã cam kết hạn chế tốc độ 50 km/giờ trong đô thị, do đó việc quản lý tốc độ ở thế giới có thể áp dụng ở TP.
Tổ chức WRI cho rằng người dân, các đơn vị quản lý cần hiểu rõ việc quản lý tốc độ trong vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây hiểu lầm.
Qua nghiên cứu, WRI cho biết tốc độ lưu thông càng cao, xác suất về tai nạn càng lớn. Vì vậy, việc giảm tốc độ nghĩa là giảm tai nạn, giảm thương tích. “Giới hạn tốc độ ở mức 30 km/giờ là an toàn nhất và tỉ lệ tử vong là thấp nhất. Trường hợp tốc độ di chuyển cao, tỉ lệ tử vong tăng theo cấp số nhân"- WRI cho biết.
Đại diện Sở GTVT TP cũng cho biết tốc độ trung bình ở TP hiện nay là 33,8 km/giờ. Theo Sở GTVT TP, vừa qua Ban ATGT mới kiến nghị thí điểm giới hạn tốc độ tại khu vực trường học, bệnh viện nhưng người dân chưa hiểu rõ về việc này.
Vì vậy, TP cần có kế hoạch tuyên truyền để người dân hiểu về chủ đề giới hạn tốc độ là vô cùng quan trọng.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Phòng CSGT, Công an TP.HCM (PC08), cho biết trong 11 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT TP đã kiểm tra, xử lý gần 90.000 trường hợp vi phạm tốc độ, tăng hơn 34.000 trường hợp so với năm 2022.
"Tính mạng con người là quan trọng, vì vậy việc giảm tốc độ trong nội thành và khu vực dễ gây tổn thương là vô cùng hợp lý" - ông Bình nói.