Tại buổi tọa đàm “Bồi thường án oan: Bất cập và giải pháp” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào sáng 13-6, dẫn lại trường hợp của ông Mưu Quý Sường (Bắc Giang), nhiều chuyên gia đề nghị các cơ quan chức năng phải giải quyết bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần cho thân nhân của người bị oan sai. Theo đó, nếu Công an tỉnh Bắc Giang đồng ý bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân ông Sường thì Cục Pháp chế và cải cách hành chính (V03) - Bộ Công an đã không chấp nhận khoản bồi thường này.
Anh Mưu Văn Thắng - con trai ông Mưu Quý Sường - cầm di ảnh cha trong ngày cha mình được công khai xin lỗi. Ảnh: BTP
TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, trưởng Phòng thanh tra - pháp chế, Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM:
Luật Trách nhiệm bồi thường hiện tại không quy định
Thời gian qua, có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề bồi thường tổn thất tinh thần, đặc biệt là bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân những người bị oan. Vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau do sự chưa rõ ràng trong quy định của pháp luật. Vụ việc liên quan đến bồi thường cho người thân của ông Mưu Quý Sường ở Bắc Giang (hiện đã mất) mà báo Pháp Luật TP.HCM nhiều lần phản ánh là một ví dụ điển hình về quan điểm không thống nhất trong vấn đề này.
Để giải quyết vấn đề này cần xác định rõ mối quan hệ giữa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) và luật dân sự, cụ thể là Bộ luật Dân sự 2015. Điều này được thể hiện thông qua quy định tại Điều 598 về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Theo đó, “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật TNBTCNN”.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, Điều 27 Luật TNBTCNN 2017 chỉ quy định trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần cho chính bản thân người bị oan chứ không có bồi thường cho thân nhân của những người này. Quả thật, từ khoản 1 đến khoản 7 của điều luật này không hề đề cập đến thân nhân, đối tượng áp dụng của luật này là “người bị oan sai”.
Trong bối cảnh hiện nay, Luật TNBTCNN chấp nhận bồi thường tổn thất tinh thần cho thân nhân của người bị oan sai trong trường hợp người này đã mất. Tuy nhiên, nếu không có thiệt hại tính mạng do oan sai thì không thể yêu cầu khoản bồi thường này, trừ trường hợp áp dụng nguyên tắc chung về lẽ công bằng cho những thiệt hại thực tế mà người ta phải gánh chịu do hành vi sai trái của người thi hành công vụ.
Chính vì thế, tôi cho là các cơ quan chức năng có thể áp dụng nguyên tắc chung đó để giải quyết bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân người bị oan sai.
ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, giảng viên môn Luật TNBTCNN, Trường ĐH Luật TP.HCM:
Phải giải quyết theo lẽ công bằng
Luật hiện tại chỉ liệt kê những thiệt hại được bồi thường, không quy định về bồi thường tổn thất tinh thần cho thân nhân của những người bị oan sai. Về việc này, chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất với Quốc hội nhưng không được và chỉ dừng lại ở chỗ “cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị oan sai ”.
Nếu trong Luật TNBTCNN không có quy định cụ thể thì nên áp dụng nguyên tắc của luật. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng nguyên tắc của luật trên cơ sở lẽ công bằng. Đây là nguyên tắc mới trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự. TNBTCNN là một khoản trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Chúng ta đều khẳng định rằng người thân đã bị thiệt hại, tổn thất về tinh thần là có thật, chúng ta không dựng nên và cũng không cần bàn cãi.
Vì vậy, chúng ta hoặc là áp dụng án lệ, nếu luật không có thì chúng ta xử theo hướng áp dụng nguyên tắc của luật để đảm bảo quyền lợi cho người bị tổn thất tinh thần. Và thực tiễn xét xử đang đi theo hướng đó, rất nhân văn, áp dụng lẽ công bằng là hợp tình, hợp lý.
PGS-TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG, Trưởng Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM:
Tòa án không được từ chối giải quyết
Ai bị thiệt hại thì người đó có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng dân sự là tòa án không được từ chối giải quyết vụ án nếu chưa có điều luật để áp dụng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước là một nhánh của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do vậy, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể giải quyết các yêu cầu bồi thường cho nhân thân của người bị oan sai thông qua việc các đương sự khởi kiện tại tòa án.