Bồi thường án oan: Bất cập và giải pháp

Trên các số báo gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin về chuyện bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh bị các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa, Phú Yên làm oan nhưng chưa cơ quan nào đứng ra nhận lãnh trách nhiệm xin lỗi, bồi thường.

Đặc biệt, không chỉ các cơ quan liên quan ở địa phương này mà các cơ quan tố tụng trung ương và Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cũng có quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Thực tiễn này cho thấy giữa các cơ quan tố tụng đang có cách hiểu và vận dụng các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (Luật TNBTNN) khác nhau, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan.

Ngoài vướng mắc trong việc xác định cơ quan phải chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường nói trên, thực tiễn còn cho thấy có sự bất cập trong việc xác định khoản tiền bồi thường cho người thân của người bị oan. Chẳng hạn trong vụ ông Mưu Quý Sường ở tỉnh Bắc Giang (hiện đã mất) bị cáo buộc oan tội giết người, giữa Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp V03 (Bộ Công an) và Công an tỉnh Bắc Giang đang có những quan điểm khác nhau về khoản bồi thường này.

Quá trình tố tụng vụ án liên quan đến bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh. ĐH: HỒ TRANG

Cần phải khẳng định rằng với sự oan ức kéo dài (ông Sường mang án oan hơn 43 năm, bà Anh hơn tám năm…) thì sự bồi thường về vật chất, tinh thần cho những người này và người thân của họ bao nhiêu cũng là không đủ.

Việc các cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng giải quyết bồi thường oan cho người bị thiệt hại là điều buộc phải làm. Qua đó, người bị oan và gia đình họ phần nào được an ủi, nguôi ngoai, tránh kéo dài nỗi đau, ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai của họ.

Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong nhiều vụ việc mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh đến nay người bị oan vẫn chưa được giải quyết bồi thường một cách kịp thời, đúng tinh thần của Luật TNBTNN.

Sự chậm trễ này có phải do Luật TNBTNN đang có những bất cập hay do các cơ quan tố tụng đang cố tình đùn đẩy trách nhiệm?

Để trả lời câu hỏi này, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Bồi thường án oan: Bất cập và giải pháp” nhằm mổ xẻ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật bồi thường oan. Qua đó, các chuyên gia đề xuất các giải pháp khắc phục để công tác bồi thường oan được thực hiện tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của người bị oan cũng như đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất giữa các cơ quan tố tụng và các cơ quan liên quan.

Buổi tọa đàm diễn ra vào sáng nay (13-6) tại trụ sở báo Pháp Luật TP.HCM (34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM). Nội dung tọa đàm sẽ được tường thuật trên báo giấy, báo Pháp Luật TP.HCM điện tử (plo.vn) và trên các nền tảng fanpage Facebook, YouTube của báo.

Diễn biến tố tụng vụ án oan bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh

Ngày 13-7-2012, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Phú Yên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can về tội vận chuyển trái phép chất ma túy; sau đó vụ án chuyển cho CQĐT Công an TP Tuy Hòa điều tra theo thẩm quyền. Quá trình điều tra bổ sung, ngày 2-5-2013, CQĐT Công an TP Tuy Hòa quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Ngày 25-3-2014, TAND TP Tuy Hòa xử sơ thẩm, tuyên phạt Ngọc Anh bảy năm tù.

Ngày 16-9-2014, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm đối với bị cáo Ngọc Anh để điều tra lại.

Sau khi điều tra lại, CQĐT Công an TP Tuy Hòa có kết luận điều tra tiếp tục đề nghị truy tố Ngọc Anh.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKSND TP Tuy Hòa phát hiện có dấu hiệu điều tra viên thêm những nội dung có tính chất buộc tội bị cáo này. Từ tháng 12-2017 đến tháng 5-2018, VKSND TP Tuy Hòa đã ba lần ra quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định chữ viết của điều tra viên.

Tuy nhiên, CQĐT Công an TP Tuy Hòa ba lần kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ vụ án đến VKS đề nghị truy tố Ngọc Anh về tội danh trên. CQĐT cũng không tiến hành trưng cầu giám định chữ viết của điều tra viên theo yêu cầu của VKS.

Sau khi trưng cầu giám định lần hai có kết quả, VKSND TP Tuy Hòa báo cáo VKS tỉnh về vi phạm trong hoạt động điều tra. Kế đó, VKSND tỉnh Phú Yên báo cáo Cục Điều tra VKSND Tối cao về việc điều tra viên viết thêm nội dung vào biên bản hỏi cung nhằm buộc tội bị can Ngọc Anh. (Sau đó, CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Việt Cường về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án...).

Ngày 31-5-2019, CQĐT Công an TP Tuy Hòa ra bản kết luận điều tra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Ngọc Anh. VKS thống nhất việc đình chỉ của CQĐT. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm