LTS: Xung quanh vụ bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh bị oan, các cơ quan tố tụng trung ương và Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cùng các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa, Phú Yên có quan điểm khác nhau trong việc xác định cơ quan phải bồi thường oan. Để rộng đường dư luận, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu bài viết của PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM, về vấn đề này.
Đối với người bị thiệt hại (người bị kết án oan, ở đây là bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh trong vụ oan ở TP Tuy Hòa, Phú Yên), các cơ quan tố tụng đều có thể là cơ quan phải giải quyết bồi thường oan, gồm cả việc phải xin lỗi và cải chính công khai.
Cả ba cơ quan đều xâm hại lợi ích người bị oan
Trước hết, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên đã từng khởi tố, đề nghị truy tố bà Anh nên đã xâm phạm tới quyền, lợi ích của bà. VKSND TP Tuy Hòa cũng từng truy tố bà Anh, TAND cùng cấp cũng từng tuyên bà Anh có tội nên cả hai cơ quan này cũng đều đã xâm phạm tới quyền, lợi ích của bà này.
Lý tưởng là cả ba cơ quan này cùng chịu trách nhiệm trước bà Anh. Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN) hiện nay quy định theo hướng chỉ có một cơ quan giải quyết bồi thường nên cần phải xác định cụ thể.
Luật TNBTNN có ba điều luật là Điều 34, Điều 35 và Điều 36 xác định lần lượt CQĐT, VKS và tòa án là các cơ quan giải quyết bồi thường. Các điều luật này liệt kê những trường hợp theo đó một trong ba cơ quan vừa nêu được xác định là cơ quan chịu giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, theo tôi vụ việc ở TP Tuy Hòa rất khó xác định thuộc trường hợp nào trong những trường hợp các điều luật trên.
Ở đây, cần khẳng định rằng danh sách những trường hợp mà theo đó một trong ba cơ quan được xác định phải giải quyết bồi thường không là danh sách “đóng cứng”.
Vậy trong ba cơ quan nói trên, cơ quan nào nên và “xứng đáng nhất” đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết bồi thường cho bà Anh? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tập trung vào tình tiết và trình tự tố tụng của vụ việc ở Tuy Hòa để phân tích.
Các cơ quan tố tụng ở Phú Yên và trung ương cùng Cục Bồi thường Nhà nước có quan điểm khác nhau trong việc xác định cơ quan phải bồi thường oan cho bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh.
Cơ quan cuối cùng kết tội oan phải bồi thường
Ở đây, ngày 31-5-2019, CQĐT Công an TP Tuy Hòa đình chỉ điều tra bà Anh với lý do hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm. Như vậy, đây là thời điểm bà Anh chính thức được xác định là không phạm tội (trong khi trước đây đã có văn bản của CQĐT, của VKS hay của tòa án xác định bà Anh phạm tội).
Trước thời điểm Công an TP Tuy Hòa đình chỉ điều tra bà Anh vào năm 2019, thực tế CQĐT đã có nhiều văn bản khởi tố và đề nghị truy tố bà Anh, tức coi bà Anh là người phạm tội. Trong đó, văn bản cuối cùng CQĐT có nội dung kết tội bà Anh là Bản kết luận điều tra bổ sung số 13 đề nghị truy tố bà Anh (văn bản ngày 12-7-2018).
Sau đó, VKS đã ra Quyết định số 192 (ngày 17-8-2018) trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Phú Yên giám định chữ viết của điều tra viên. Và đến ngày 23-8-2018, VKS ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can Anh (do chưa có kết quả trưng cầu giám định nhưng hết thời hạn truy tố).
Cụ thể diễn biến tố tụng vụ án oan Ngày 13-7-2012, CQĐT Công an tỉnh Phú Yên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can về tội vận chuyển trái phép chất ma túy; sau đó vụ án chuyển cho CQĐT Công an TP Tuy Hòa điều tra theo thẩm quyền. Quá trình điều tra bổ sung, ngày 2-5-2013, CQĐT Công an TP Tuy Hòa quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ngày 25-3-2014, TAND TP Tuy Hòa xử sơ thẩm, tuyên phạt Ngọc Anh bảy năm tù. Ngày 16-9-2014, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm đối với bị cáo Ngọc Anh để điều tra lại. Sau khi điều tra lại, CQĐT Công an TP Tuy Hòa có kết luận điều tra tiếp tục đề nghị truy tố Ngọc Anh. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKSND TP Tuy Hòa phát hiện có dấu hiệu điều tra viên thêm những nội dung có tính chất buộc tội bị cáo này. Từ tháng 12-2017 đến tháng 5-2018, VKSND TP Tuy Hòa đã ba lần ra quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định chữ viết của điều tra viên. Tuy nhiên, CQĐT Công an TP Tuy Hòa ba lần kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ vụ án đến VKS đề nghị truy tố Ngọc Anh về tội danh trên. CQĐT cũng không tiến hành trưng cầu giám định chữ viết của điều tra viên theo yêu cầu của VKS. Sau khi trưng cầu giám định lần hai có kết quả, VKSND TP Tuy Hòa báo cáo VKS tỉnh về vi phạm trong hoạt động điều tra. Kế đó, VKSND tỉnh Phú Yên báo cáo Cục Điều tra VKSND Tối cao về việc điều tra viên viết thêm nội dung vào biên bản hỏi cung nhằm buộc tội bị can Ngọc Anh. (Sau đó, CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Việt Cường về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án...). Ngày 31-5-2019, CQĐT Công an TP Tuy Hòa ra bản kết luận điều tra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Ngọc Anh. VKS thống nhất việc đình chỉ của CQĐT. |
Tiếp theo, ngày 5-4-2019, VKS ra quyết định phục hồi vụ án đối với bị can Anh và ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến ngày 31-5-2019, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bà Anh.
Như vậy, sau khi có văn bản của CQĐT ngày 12-7-2018 khẳng định bà Anh phạm tội, VKS đã không còn (không có văn bản nào) xác định bà Anh là người phạm tội (mặc dù trước đó VKS từng truy tố, tức coi bà Anh là người phạm tội).
Tương tự, đối với tòa án, sau Bản kết luận điều tra bổ sung số 13 đề nghị truy tố bà Anh, TAND TP Tuy Hòa đã không còn văn bản nào xác định bà Anh phạm tội (mặc dù trước đó đã có lần tòa tuyên án kết tội bà Anh nhưng bản án đó đã bị hủy nên không còn giá trị).
Tất cả điều đó cho thấy văn bản cuối cùng kết tội oan bà Anh là văn bản của CQĐT và đó là Bản kết luận điều tra bổ sung số 13. Do đó, CQĐT nên là cơ quan đứng ra giải quyết bồi thường vì là cơ quan cuối cùng vẫn xác định bà Anh có hành vi phạm tội và quan điểm này không được cơ quan khác đồng ý. Nói cách khác, ở thời điểm đình chỉ vụ án đối với bà Anh, chỉ còn CQĐT xác định bà Anh có hành vi phạm tội nên CQĐT “xứng đáng hơn cả” trong việc đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết bồi thường cho bà Anh.
Về căn nguyên dẫn tới sai phạm trong vụ việc này, mấu chốt vấn đề là điều tra viên Nguyễn Việt Cường làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến việc khởi tố oan. Từ sai trái của điều tra viên (người của CQĐT) nên VKS đã có lần truy tố và tòa án đã có lần kết tội bà Anh.
Tóm lại, sẽ là hợp lý (vì luật cho phép) và hợp tình (do căn nguyên đến từ người của CQĐT) nếu xác định CQĐT là cơ quan giải quyết bồi thường oan.
Cục Bồi thường Nhà nước: VKS bồi thường Ngày 6-5-2020, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) có công văn trao đổi nghiệp vụ với Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên về việc giải quyết bồi thường oan cho bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh. Theo Cục Bồi thường Nhà nước, Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao để trao đổi về đường lối giải quyết vụ việc và đã nhận được đầy đủ ý kiến của các cơ quan này. Viện dẫn khoản 4 Điều 35 Luật TNBTNN, Cục Bồi thường Nhà nước cho rằng cơ quan phải giải quyết bồi thường cho bà Anh là VKSND TP Tuy Hòa. Quan điểm này cũng trùng với quan điểm của TAND Tối cao mà chúng tôi đã giới thiệu trên số báo ngày 8-6. VKS tỉnh và VKS Tối cao: Cơ quan điều tra bồi thường Ngày 23-5, VKSND tỉnh Phú Yên có công văn gửi lãnh đạo VKSND Tối cao, Vụ 7 - VKSND Tối cao báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước đối với bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh. Theo đó, VKSND tỉnh Phú Yên không thống nhất quan điểm của Cục Bồi thường Nhà nước (cho rằng VKSND TP Tuy Hòa phải bồi thường oan) nên mới báo cáo xin ý kiến lãnh đạo VKSND Tối cao. Đồng thời, viện này nêu quan điểm thống nhất quan điểm của VKSND Tối cao (trong công văn trả lời trước đó) rằng trường hợp này trách nhiệm bồi thường oan thuộc về CQĐT Công an TP Tuy Hòa. |