Anh Nguyễn Anh Duy, 23 tuổi, ngụ ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau đang yêu cầu TAND TP Cà Mau bồi thường oan 964 triệu đồng thiệt hại về tài sản, sức khỏe, thu nhập, tinh thần. Anh Duy còn yêu cầu tòa này phải xin lỗi công khai tại nơi anh cư trú và đăng lời xin lỗi trên ba số liên tiếp của một tờ báo ở trung ương và một tờ báo địa phương.
Tòa nói chưa biết có oan không!
Tuy nhiên, TAND TP Cà Mau đã từ chối yêu cầu này của anh. Theo trả lời bằng văn bản của TAND TP Cà Mau thì tháng 7-2016, năm bị cáo trong vụ án (trong đó có anh Duy) đã bị tòa kết án về tội cố ý gây thương tích.
Sau đó, xử phúc thẩm TAND tỉnh Cà Mau hủy án, giao hồ sơ cho VKSND TP Cà Mau điều tra, xét xử lại. Tiếp đó VKS cùng cấp đã đình chỉ đối với anh Duy và tiếp tục truy tố bốn người còn lại về tội cố ý gây thương tích. Ngày 25-11-2019, tòa này xử sơ thẩm và đã tuyên án đối với bốn người.
Sau khi tòa xét xử sơ thẩm, cả bốn bị cáo bị kết án đã có đơn kháng cáo, chờ xét xử phúc thẩm, do đó chưa đủ căn cứ xác định anh Duy có phạm tội hay không.
Vì vậy theo tòa, chưa đủ cơ sở để tòa bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự theo yêu cầu của anh Duy. Căn cứ pháp lý mà tòa đưa ra là điểm h khoản 3 Điều 43 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (Luật TNBTCNN).
Trong khi đó, anh Duy được xác định bị làm oan bằng quyết định đình chỉ bị can ngày 1-8-2019 của VKSND TP Cà Mau. Cơ quan này thừa nhận không đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội đối với anh Duy.
Trước đây, Pháp Luật TP.HCMtừng phản ánh anh Duy là một trong năm bị can bị khởi tố vụ chém người gây thương tích 45% xảy ra từ đầu năm 2015. Anh Duy kêu oan từ khi bị bắt. Bốn người còn lại nhận tội, sau đó ra tòa kêu oan rằng bị đánh nên phải nhận tội, có người làm chứng việc ngoại phạm. Đến nay cả bốn người đều đã được cho tại ngoại…
Quá trình tố tụng VKSND TP Cà Mau đã ba lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cơ quan này thừa nhận việc chậm ban hành các quyết định liên quan đến vụ án và việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ ba là vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, việc vi phạm là do tính chất phức tạp của vụ án, phải xin ý kiến chỉ đạo của các cấp nhiều lần nhằm tránh oan, sai cũng như bỏ lọt tội phạm.
Sau 27 tháng bị tạm giam, anh Duy cùng bốn người trong vụ án được tại ngoại. Mới đây, VKS ban hành cáo trạng lần hai tiếp tục truy tố bốn bị can tội cố ý gây thương tích. Riêng anh Duy thì được VKS đình chỉ và chỉ có nhắc tên trong cáo trạng với vai trò là người liên quan.
Anh Nguyễn Anh Duy đang làm nghề sửa xe. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Tòa sơ thẩm phải bồi thường oan
Theo ThS Nguyễn Trương Tín (giảng viên môn luật TNBTCNN, Trường ĐH Luật TP.HCM), việc từ chối bồi thường của TAND TP Cà Mau là sai.
Bởi anh Duy được xác định bị oan bằng quyết định đình chỉ bị can ngày 1-8-2019 của VKSND TP Cà Mau. VKS thừa nhận không đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội đối với anh Duy. Đây là một trong những căn cứ đình chỉ thuộc trường hợp không bị khởi tố vụ án hình sự theo Điều 157 BLTTHS.
Theo khoản 2 Điều 9, khoản 3 Điều 18 Luật TNBTCNN thì trường hợp của anh Duy đủ điều kiện được bồi thường oan (bị tạm giam mà có quyết định của VKS xác định không có sự việc phạm tội).
Về nguyên tắc bồi thường, theo Điều 4 Luật TNBTCNN thì việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Việc này phải được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật…
Theo điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN thì cơ quan phải bồi thường cho anh Duy là TAND TP Cà Mau. Theo đó, TAND cấp sơ thẩm là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong trường hợp tuyên bị cáo có tội nhưng TAND cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Sau đó, bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội, hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
ThS Tín nhấn mạnh: “Dù TAND TP Cà Mau có quan điểm khác hoặc không đồng tình với việc đình chỉ của VKS đối với anh Duy thì theo luật, tòa này vẫn là cơ quan có trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường”.
Quy định về việc chủ động phục hồi danh dự Theo khoản 1 Điều 57 Luật TNBTCNN 2017 thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường..., cơ quan làm oan phải thông báo bằng văn bản cho người bị oan về việc tổ chức thực hiện phục hồi danh dự. Theo Điều 22 Nghị định 68/2018 hướng dẫn việc chủ động phục hồi danh dự thì cơ quan làm oan phải thông báo bằng văn bản về việc tổ chức phục hồi danh dự. Văn bản phải có các nội dung như thời gian, địa điểm tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai; phần thể hiện ý kiến trả lời của người bị thiệt hại. Trường hợp người bị oan không trả lời thì việc phục hồi danh dự sẽ được thực hiện khi họ có yêu cầu bằng văn bản. |