Vì sao tòa vẫn kết tội 4 bị cáo vụ chém người trong đêm

Ngày 25-11, TAND TP Cà Mau đã tuyên án bốn bị cáo Đặng Hữu Thời, Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam và Lê Phước Trung bị xét xử về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS 1999.
Đây là phiên xử sơ thẩm lần thứ hai nhưng phán quyết của tòa vẫn gây tranh cãi về các chứng cứ buộc tội.

HĐXX đã tuyên phạt Thời 7,5 năm tù, Nam 6,5 năm tù, Trung 5,5 năm tù, Long bốn năm tù.

Vụ án xảy ra từ tháng 3-2015 và từ ngày 16-6-2017, bốn bị cáo được tại ngoại. Sau khi tòa tuyên án, cả bốn tiếp tục được tại ngoại và viết đơn kháng cáo kêu oan nộp ngay cho tòa.

HĐXX cho rằng căn cứ vào lời khai của những nhân chứng gần hiện trường có chứng kiến sự việc thì thời gian xảy ra vụ ẩu đả phù hợp với thời gian nêu trong bản cáo trạng của VKS.

Người làm chứng không xác định được Thời kêu cửa nhờ đưa đi cấp cứu lúc mấy giờ, chỉ nhắm chừng giữa đêm nên không thể sử dụng lời khai này để chứng minh cho sự ngoại phạm của Thời.

Vì sao tòa vẫn kết tội 4 bị cáo vụ chém người trong đêm ảnh 1
Cả bốn bị cáo viết kháng cáo ngay tại tòa sau khi nghe tuyên án sáng 25-11.

Theo tòa, lời khai của những nhân chứng bênh vực cho Thời là có sự gian dối.

Tòa kết luận vì bị chém nên Thời căm tức, tổ chức chém trả thù nhưng lại chém nhầm người. Gây án xong, Thời mới vào bệnh viện cấp cứu. Ba bị cáo còn lại giúp sức, rủ rê người hỗ trợ Thời đi chém người...

Về việc Thời vào bệnh viện trước bị hại 15 phút, tức là liền ngay sau đó nên có căn cứ khẳng định Thời tổ chức chém người mới vào bệnh viện chứ không phải Thời bị chém xong là vào bệnh viện luôn.

Do đó, lời bào chữa của các luật sư về việc thời điểm bị hại bị chém thì Thời đang cấp cứu tại bệnh viện không được chấp nhận.

Theo cáo buộc, khuya 14-3-2015, Thời và bạn trên đường về nhà thì bị rượt chém ở đầu và vai. Thời về nhà lấy mã tấu và rủ nhóm bạn đi tìm người để chém lại.

Rạng sáng hôm sau, có ba người đi bộ ăn cháo, Thời cầm hung khí chạy qua rượt đánh và chém họ. Khi thấy một người bị thương nặng và phát hiện đã chém nhầm, nhóm Thời rút khỏi hiện trường. Thời bị thương và đi cấp cứu lúc 2 giờ sáng, đến 4 giờ chiều cùng ngày thì trốn bệnh viện về…

Năm 2016, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm lần thứ nhất, kết tội cả năm bị cáo (sau đó một người được đình chỉ vì không có sự việc phạm tội). Sau đó bản án này bị TAND tỉnh Cà Mau tuyên hủy để điều tra, xét xử lại do nhiều chứng cứ kết tội mâu thuẫn. Theo tòa, bị cáo Thời vừa bị chém, vừa đi tìm người chém trả thù cùng trong một khoảng thời gian là không phù hợp.

Tại tòa, các bị cáo cho rằng bị đánh ép nhận tội và trình ra các đơn khiếu nại, tố cáo việc bị bức cung mà các bị cáo đã gửi nhưng không được cơ quan nào phản hồi.

Bị cáo Thời kêu oan rằng mình không chém ai và cũng không có mâu thuẫn với các bị hại. Thời nói mình mới là nạn nhân, là người bị chém nhầm khi đang trên đường đi về nhà. Ba bị cáo còn lại cũng đưa ra chứng cứ ngoại phạm cho rằng mình bị oan.

Cáo trạng mâu thuẫn với quyết định đình chỉ bị can 

Sau 53 tháng khởi tố, điều tra vụ án này đã có một người được xác định bị oan do không đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội. Đây là một trong những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự theo Điều 157 BLTTHS. Đó là anh Nguyễn Anh Duy.

Tuy nhiên, dù đã xác định Duy vô tội do không có sự việc phạm tội nhưng cáo trạng vẫn mô tả sự việc Duy có hành vi cùng tham gia đánh nhau.

Cụ thể, hồ sơ mô tả hành vi của Duy “Trung đến lấy một cây dao phai, Anh Duy thì cầm nón bảo hiểm loại kết thời trang”. “Vị trí các bị can Đặng Hữu Thời, Nguyễn Anh Duy, Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung tập trung để đánh nhau là phía trước nhà nghỉ Trung Hoa...”,  "... là vị trí của Đặng Hữu Thời , Nguyễn Anh Duy tập trung để đánh nhau...”, "Vị trí này là vị trí của Đặng Hữu Thời, Nguyễn Anh Duy rượt đuổi đánh, chém bị hại tại phần đất trống cặp quán cà phê Cát Tường”.

Như vậy, cáo trạng mô tả hành vi của người không phạm tội làm cơ sở để cáo buộc các bị can khác phạm tội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm