LTS: Liên quan đến trách nhiệm bồi thường oan cho bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh, trên các số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCMđã giới thiệu các quan điểm khác nhau của các cơ quan tố tụng trung ương, Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), cơ quan tố tụng tỉnh Phú Yên và chuyên gia pháp luật.
Chúng tôi xin tạm dừng diễn đàn này bằng bài viết của TS Phan Anh Tuấn(Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM) và sẽ đề cập đến vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Về nguyên tắc, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (Luật TNBTcNN) thì cơ quan tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm bồi thường là cơ quan truy cứu trách nhiệm hình sự oan cuối cùng, gây thiệt hại cho người bị buộc tội trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS).
Tinh thần này được cụ thể hóa thành các trường hợp mà cơ quan điều tra (CQĐT), VKS, tòa án phải giải quyết bồi thường trong hoạt động TTHS theo quy định tại các điều 34, 35 và 36 của Luật TNBTcNN.
Tòa không có trách nhiệm phải bồi thường
Ngày 25-3-2014, TAND TP Tuy Hòa xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh bảy năm tù. Ngày 16-9-2014, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm đối với bà Anh để điều tra lại.
Sau khi điều tra lại, CQĐT Công an TP Tuy Hòa có kết luận điều tra (KLĐT) tiếp tục đề nghị truy tố bà Anh.
Như vậy, ngay từ khi CQĐT Công an TP Tuy Hòa ra KLĐT (lần hai) tiếp tục đề nghị truy tố bà Anh thì TAND TP Tuy Hòa không phải là người cuối cùng gây thiệt hại cho người bị buộc tội là bà Anh. Do đó, tòa này không phải là cơ quan giải quyết bồi thường trong vụ án này.
Các cơ quan tố tụng ở Phú Yên và trung ương cùng Cục Bồi thường nhà nước và các chuyên gia pháp luật có quan điểm khác nhau trong việc xác định cơ quan phải bồi thường oan cho bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh.
CQĐT và VKS cùng gây thiệt hại cho bà Anh
Sau khi TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm đối với bị cáo Anh để điều tra lại, CQĐT Công an TP Tuy Hòa có KLĐT tiếp tục đề nghị truy tố bà Anh.
Qua nghiên cứu hồ sơ, VKSND TP Tuy Hòa phát hiện có dấu hiệu điều tra viên thêm những nội dung có tính chất buộc tội bị cáo này. Từ tháng 12-2017 đến tháng 5-2018, VKSND TP Tuy Hòa đã ba lần ra quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định chữ viết của điều tra viên.
Tuy nhiên, CQĐT Công an TP Tuy Hòa ba lần ra KLĐT bổ sung và chuyển hồ sơ vụ án đến VKS đề nghị truy tố bà Anh về tội danh trên. CQĐT cũng không tiến hành trưng cầu giám định chữ viết của điều tra viên theo yêu cầu của VKS.
Ngày 31-5-2019, CQĐT Công an TP Tuy Hòa ra bản KLĐT quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bà Anh. VKS thống nhất việc đình chỉ của CQĐT.
Với các hoạt động nêu trên, sau khi TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm đối với bà Anh để điều tra lại. Khi đó, chỉ có CQĐT Công an TP Tuy Hòa có hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Anh (được thể hiện qua bản KLĐT tiếp tục đề nghị truy tố bà Anh).
Tuy nhiên, trong vụ án này, VKS đã phê chuẩn quyết định khởi tố, lệnh tạm giam của CQĐT đối với bà Anh. Với các hoạt động này, VKS đã gây thiệt hại cho người bị buộc tội là bà Anh. Bởi với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, việc phê chuẩn các quyết định nêu trên của VKS đã xác định vai trò buộc tội của mình đối với bà Anh, qua đó gây thiệt hại cho bà.
Như vậy, sau khi TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm (đã hủy bản án sơ thẩm đối với bà Anh) để điều tra lại thì có hai chủ thể gây thiệt hại cho bà Anh là CQĐT Công an TP Tuy Hòa và VKSND TP Tuy Hòa. Giải quyết tranh chấp bồi thường này dựa vào quy định tại khoản 3 Điều 34 và khoản 2 Điều 35 của Luật TNBTcNN.
VKSND TP Tuy Hòa bồi thường mới đúng luật
Khoản 3 Điều 34 Luật TNBTCNN xác định CQĐT phải giải quyết bồi thường trong trường hợp sau: “VKS quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, CQĐT ra KLĐT bổ sung hoặc KLĐT mới đề nghị truy tố nhưng VKS ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm”.
Cạnh đó, khoản 2 Điều 35 Luật TNBTcNN xác định VKS phải giải quyết bồi thường trong trường hợp sau: “Đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam của CQĐT hoặc đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 34 của luật này; đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhưng căn cứ kết quả điều tra bổ sung, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.
Điểm khác nhau trong trường hợp VKS quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, CQĐT ra KLĐT bổ sung hoặc KLĐT mới đề nghị truy tố ở quy định tại khoản 3 Điều 34 và khoản 2 Điều 35 Luật TNBTcNN là:
Nếu VKS ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm thì trách nhiệm bồi thường thuộc CQĐT (khoản 3 Điều 34).
Nếu căn cứ kết quả điều tra bổ sung, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì trách nhiệm bồi thường thuộc VKS (khoản 2 Điều 35).
Nói cách khác, nếu cơ quan nào đình chỉ không truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan khác phải giải quyết bồi thường.
Trong vụ án này, ngày 31-5-2019, CQĐT Công an TP Tuy Hòa ra bản KLĐT quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Anh. Do đó, VKSND TP Tuy Hòa phải là cơ quan có nghĩa vụ giải quyết bồi thường cho bà Anh.
Tóm lại, việc bồi thường của VKS trong trường hợp này là đúng luật. Bởi lẽ với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, VKS đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam của CQĐT... thì hoạt động buộc tội của VKS có giá trị pháp lý. Trong vụ việc ở TP Tuy Hòa, VKS phải bồi thường là hợp lý, đúng quy định của pháp luật.