Người biểu tình nghỉ ngơi bên cạnh xe bọc thép của quân đội triển khai tại quảng trường Tahrir (thủ đô Cairo, Ai Cập) ngày 6-2. Ảnh: REUTERS
Tiêu điểm 300 người đã thiệt mạng trong 14 ngày biểu tình, xung đột vừa qua tại Ai Cập, theo hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn số liệu do LHQ thống kê. Chính phủ đang thối lui. Mỗi ngày lại có thêm một nhượng bộ mới. Ông KHALED ABDUL-HAMID, một lãnh đạo đối lập tại Ai Cập phát biểu ngày 6-2 |
Ngày 7-2, nội các mới của Ai Cập đã họp phiên đầu tiên. Tại thủ đô Cairo trong ngày 7-2, hàng ngàn người biểu tình vẫn cố thủ xung quanh quảng trường Tahrir bên cạnh sự hiện diện của xe bọc thép và binh sĩ. Tuy nhiên, một số trường học, ngân hàng, cửa hàng đã hoạt động trở lại, giao thông được khôi phục.
Ngày trước đó, Phó Tổng thống Omar Suleiman (mới được bổ nhiệm sau biểu tình) đã lần đầu tiên gặp mặt lãnh đạo 50 tổ chức đối lập, trong đó có các tổ chức Wafd, Tagammu, Anh em Hồi giáo vốn bị cấm hoạt động từ năm 1954. Phó Tổng thống Omar Suleiman đưa ra một loạt điều khoản nhượng bộ nhưng tuyệt nhiên không có nội dung Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.
Hai bên đã đồng ý một số bước để tiến đến giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay. Theo đó, chính phủ sẽ thành lập một ủy ban làm việc đến đầu tháng 3, nghiên cứu cải cách hiến pháp đảm bảo cho một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng, cho phép nhiều ứng viên tham gia tranh cử tổng thống, quy định thời hạn nhiệm kỳ tổng thống.
Chính phủ sẽ sớm bỏ luật khẩn cấp (được Tổng thống Hosni Mubarak ban hành từ khi nắm quyền năm 1981) khi an ninh có dấu hiệu cải thiện hơn. Chính phủ không sử dụng bạo lực với người biểu tình hiện tại, thả những người biểu tình bị bắt, không cấm cản tự do truyền thông, đồng thời thành lập một ủy ban tư pháp chống tham nhũng và truy tố tội phạm tham nhũng.
Tuy nhiên, người biểu tình quyết định không rút lui đến chừng nào yêu cầu tiên quyết của họ được đáp ứng - Tổng thống Hosni Mubarak ra đi, nhượng quyền cho chính phủ lâm thời chờ bầu cử mới.
Bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Anh, Canada, Tây Ban Nha đồng ý khả năng Tổng thống Hosni Mubarak từ chức trong trật tự để đảm bảo an ninh cho Ai Cập. Tổng thống Mỹ Obama đã hai lần công khai yêu cầu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Ngày 6-2, chính phủ Đức đã ngỏ ý mời Tổng thống Hosni Mubarak qua định cư tại Đức. Làn sóng ủng hộ người dân Ai Cập lan ra nhiều nước như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine.
Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ đã và đang lan rộng ở Trung Đông và Bắc Phi. Tại Iraq, trong tuần qua cũng xảy ra một số cuộc biểu tình ở thủ đô Baghdad và các TP, phản đối tình trạng thiếu hụt lương thực, nước, điện, yêu cầu cải thiện các điều kiện sống căn bản, yêu cầu các lãnh đạo chính quyền từ chức. Ít nhất ba người biểu tình bị thương trong các cuộc đụng độ cảnh sát. Ngày 6-2, Thủ tướng Nouri Al-Maliki đã trấn an người dân bằng tuyên bố sẽ hỗ trợ cho mỗi người 15.000 dinar (240.000 đồng VN) cùng khẩu phần lương thực hằng tháng. Tại Yemen giữa tuần qua, khoảng 20.000 người đã tập trung ở thủ đô Sana’a và nhiều TP lớn khác để biểu tình phản đối chính phủ. Ba người biểu tình bị thương vì bị cảnh sát bắn. Tổng thống Ali Abdullah Saleh tuyên bố sẽ rời nhiệm vào năm 2013 và sẽ không trao quyền cho con trai. |
THIÊN ÂN (Theo AP, Reuters, Xinhua)