Khủng hoảng Nga - Ukraine: Không ai được lợi!

Ngày 24-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt để hỗ trợ hai khu vực Donetsk và Luhansk vừa ly khai khỏi vùng Donbass ở miền đông Ukraine, theo đài RT.

Quân đội Nga sau đó bất ngờ sử dụng vũ khí chính xác tấn công ồ ạt vào hàng loạt cơ sở phòng không, căn cứ không quân của Ukraine và hạ tầng quân sự trên lãnh thổ nước này. Nhiều tiếng nổ lớn cùng các cột khói bốc lên dữ dội tại thủ đô Kiev và nhiều TP khác như Kharkiv, Odessa, Mariupol.

Phía Ukraine đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, đồng thời khẳng định đã có những thương vong đầu tiên trong cuộc xung đột - chủ yếu là dân thường thiệt mạng do kẹt trong các đợt tấn công của Nga. Phía Nga cũng được cho là thiệt hại không ít khi nhiều khí tài quân sự bị các lực lượng Ukraine phá hủy, dù chưa rõ con số thống kê chính thức.

Ukraine - Nga khẩu chiến kịch liệt

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow ngày 24-2, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine gồm hai mục tiêu là phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa” Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Nga “phải đạt được những mục tiêu” này. Theo ông Peskov, Tổng thống Putin đã nói rõ những gì ông cần ở Ukraine, đó là tình trạng trung lập và không phát triển vũ khí hạt nhân tấn công, đài CNN cho hay.

Khi được hỏi liệu Nga có cần thay đổi chính phủ Ukraine, Peskov cho biết “không thể trả lời” câu hỏi đó. “Không ai nói về việc chiếm đóng Ukraine. Việc sử dụng từ đó để mô tả hoạt động của Nga ở Ukraine là không thể chấp nhận được” - ông Peskov nói.

Hệ thống radar và nhiều thiết bị bị hư hỏng tại một cơ sở quân sự của Ukraine bên ngoài TP Mariupol (đông Ukraine) ngày 24-2. Ảnh: AP

Trước đó, ông Putin cũng lên tiếng lý giải rằng việc mở chiến dịch quân sự ở Donbass là điều cần thiết bởi các nước NATO (Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) hàng đầu đang theo đuổi mục tiêu riêng bằng việc ủng hộ đầy đủ cho lực lượng “phát xít cực đoan và tân phát xít” của Ukraine. Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga, trong 30 năm qua, đã nỗ lực đàm phán để NATO không bành trướng về phía đông, dù cho Nga có đối mặt với “lừa dối và đe dọa trừng phạt tài chính”. Khi mọi chuyện đến nước này thì một cuộc đụng độ giữa Nga và các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine là “không thể tránh khỏi”.

Về phía Ukraine, kể từ lúc Nga có hành động quân sự, giới chức Kiev đã liên tục phát đi các thông điệp mạnh mẽ về cuộc đấu tranh phía trước, hãng thông tấn TASS cho biết. Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi người dân không hoảng sợ mà cùng chung tay hỗ trợ quân đội Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga, bảo vệ đất nước và sẵn sàng cấp vũ khí cho họ nếu cần. Ông cũng khẳng định đang đàm phán với hàng loạt quốc gia khác và tới lúc này, “toàn thế giới đang ủng hộ Ukraine”.

Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine - tướng Valeriy Zaluzhny thông báo ông Zelensky đồng thời đã ra lệnh mọi lực lượng Ukraine có nhiệm vụ gây tổn thất tối đa cho các hướng tấn công của Nga. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng ra thông báo cáo buộc hành động của Nga là cuộc xâm lược một quốc gia có chủ quyền nhằm “lật đổ chính quyền Kiev” và “chiếm đóng lãnh thổ Ukraine”.

Thiệt hại nhãn tiền

Đối với giới quan sát, việc Nga xung đột với Ukraine như hiện nay là kịch bản tồi tệ nhất đã được cảnh báo từ nhiều tháng qua và sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên liên quan cũng như thế giới.

Với Nga, theo The Moscow Times, kinh tế Nga đang phải đối mặt với nguy cơ hứng một cuộc khủng hoảng mới sau bước đi quân sự với Ukraine. Đồng rup mất giá 10% trong ngày 24-2 chỉ vài phút sau khi ông Putin thông báo chiến dịch quân sự đặc biệt. Tiếp theo đây sẽ là hàng loạt lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây, khi Mỹ và đồng minh châu Âu tính toán họp khẩn bàn chuyện này.

Ngân hàng nhà nước Sberbank sáng 24-2 tuyên bố đã “sẵn sàng cho bất kỳ diễn tiến nào của tình hình”. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không tin rằng Nga có thể đối mặt với một phản ứng có thể chưa từng có của phương Tây, dẫn đến những hậu quả cả về ngắn hạn và dài hạn. Nhà phân tích Henry Rome tại Tập đoàn Eurasia cho rằng “với mức độ nghiêm trọng của các hành động của Nga” thì khả năng “Nga bị trục xuất khỏi hệ thống viễn thông tài chính SWIFT”, chưa kể “đường ống Nord Stream 2 sẽ bị hoãn vô thời hạn”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang theo dõi sát tình hình ở Ukraine và nói rằng lo ngại an ninh của tất cả các bên cần được tôn trọng. Nước này kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, đồng thời khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào, kêu gọi tất cả các nước cùng bảo vệ an ninh năng lượng.
 

Với Ukraine, kinh tế nước này vốn đã thiệt hại nặng sau bốn tháng căng thẳng, tới nỗi Tổng thống Zelensky nhiều lần đề nghị phương Tây đừng nói đến khả năng Nga tấn công nữa, vì chưa biết đúng sai thế nào nhưng trước mắt sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Ukraine.

Theo hãng tin AP, diễn biến xung đột này sẽ càng làm kinh tế Ukraine khó khăn hơn. Hoạt động của các cảng biển sẽ không còn suôn sẻ vì lo ngại an ninh với các tàu quân sự Nga. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi các vấn đề về bảo hiểm - tương tự với các chuyến bay thương mại - bắt đầu xảy ra với ngành vận tải biển. Hàng loạt hãng bay ngưng khai thác không phận Ukraine từ tuần trước.

Về thế giới, tác động từ xung đột Nga - Ukraine phản ánh rõ nhất trên lĩnh vực kinh tế - thương mại. Giá dầu thế giới lần đầu tiên từ năm 2014 đã tăng lên trên 100 USD/thùng trong ngày 24-2. Giá khí đốt ở thị trường châu Âu tăng hơn 30% trong ngày 24-2. Giá vàng thế giới cũng bật tăng 0,39% lên
1.915 USD/ounce - gần mức cao kỷ lục trong chín tháng qua, theo tờ The New York Times.

Bên cạnh đó, lúa mì, ngô, nhôm và nickel cũng là những mặt hàng bị khan hiếm khi căng thẳng leo thang - nhất là khi Nga là nhà sản xuất nhôm, nickel lớn thứ ba thế giới và xuất khẩu của nước này có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt và trả đũa có thể xảy ra.

Ngoài ra, xung đột cũng sẽ làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang chịu tổn thương vì đại dịch càng trở nên yếu ớt hơn. Ngành vận tải và hậu cần sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Phần lớn hàng hóa thế giới được chuyên chở bằng tàu biển, nếu Ukraine và các cảng của nước này bị phong tỏa thời gian dài, người mua sẽ phải chuyển sang tìm kiếm con đường khác để đáp ứng nhu cầu chuyên chở và Mỹ sẽ là lựa chọn thay thế trước tiên, bởi nước này có những kho bãi hậu cần lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc chuyển hướng này cũng sẽ gây ra hậu quả chậm trễ về thời gian giao hàng.•

Mỹ và đồng minh: Sẽ trừng phạt nặng “cuộc tấn công vô lý” của Nga

Sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Nga - Ukraine, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga ngừng các hoạt động quân sự và chấm dứt ngay xung đột, “đừng cho phép nổ ra cuộc chiến có thể là nghiêm trọng nhất từ đầu thế kỷ này tại châu Âu”.

Tại Mỹ, phản ứng trước hành động của Nga, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ gặp các lãnh đạo nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào ngày 25-2 và các nước dự kiến sẽ áp những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để đáp lại “cuộc tấn công vô lý” của Nga, theo hãng tin AFP.

Tương tự, các lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng cáo buộc bước đi quân sự của Nga là “vô cớ và phi lý”, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa sự ổn định và an ninh châu Âu cũng như toàn cầu, đồng thời tuyên bố sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm.

“Chúng tôi kêu gọi Nga lập tức chấm dứt các hành động quân sự thù địch, rút quân khỏi Ukraine và hoàn toàn tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine” - trích tuyên bố chung của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng chỉ trích Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi “chọn con đường gây hấn chống lại chủ quyền, lãnh thổ một quốc gia”, đe dọa an ninh khu vực và mạng sống của vô số người dân, theo đài DW.

Hãng tin Politico dẫn lời Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo tình hình hiện tại ở Ukraine là “giờ phút đen tối nhất” của châu Âu kể từ Thế chiến I, trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi phương Tây phải lập tức áp lệnh trừng phạt bổ sung lên Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định đoàn kết với Ukraine sau điện đàm khẩn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm