Khủng hoảng Syria: Phương Tây tìm cách né phủ quyết của Nga

Theo tờ The Guardian, nhóm các nước phương Tây sẽ chuyển vấn đề điều tra vũ khí hóa học tại Syria ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) để tránh tấm phiếu phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an (HĐBA).

Thế bế tắc về Syria

Hãng tin AP cho biết kể từ khi chiến sự Syria nổ ra, Nga đã có 11 lần sử dụng quyền phủ quyết trong HĐBA để ngăn cơ quan này của LHQ đưa ra các hành động liên quan đến cáo buộc vũ khí hóa học tại Syria. Một cơ chế của LHQ dùng để truy trách nhiệm vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria đã bị “khai tử” vào tháng 11-2017 sau khi Nga bỏ phiếu phủ quyết chặn nghị quyết gia hạn cơ chế này. Phái bộ ngoại giao Nga tại HĐBA tranh cãi rằng cơ chế này có quá nhiều định kiến nhắm vào chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tại một buổi họp kín thường niên ở Thụy Điển, đại sứ các nước thành viên HĐBA đã nhấn mạnh tình thế bế tắc hiện nay trong vấn đề Syria đối với LHQ. Các cuộc họp chính thức sắp tới trong khuôn khổ HĐBA sẽ tiếp tục bàn luận thêm về vấn đề trên. Các cường quốc phương Tây lo ngại nếu không có một cơ chế tập thể của LHQ thì chính phủ Syria vẫn có khả năng tái sử dụng vũ khí hóa học hay thậm chí đe dọa trật tự thế giới.

Các điều tra viên của Tổ chức Chống vũ khí hóa học (OPCW) đã đến thị trấn Douma để xác thực dấu vết tấn công hóa học mà các tổ chức hoạt động nhân quyền tại Syria từng cáo buộc. Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, OPCW không có khả năng quy trách nhiệm và buộc các bên tuân thủ kết luận. Kể từ sau cuộc không kích ngày 14-4 của liên quân Anh, Pháp, Mỹ vào lãnh thổ Syria, lấy lý do là đáp trả các vụ tấn công hóa học, phương Tây cũng đã tái khởi động những nỗ lực ngoại giao để HĐBA thông qua một cơ chế điều tra mới tại Syria. Các nỗ lực này đều không thu được kết quả khả quan.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia (phải) và Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley (giữa) thảo luận trước buổi họp HĐBA về gia hạn cơ chế điều tra độc lập ở Syria. Sau đó, tại buổi họp, Nga đã bỏ phiếu phủ quyết. Ảnh: REUTERS

Né phiếu phủ quyết của Nga

Lo ngại thế bế tắc hiện nay sẽ làm suy giảm vai trò của HĐBA, các nước phương Tây đang dự tính chuyển vấn đề khủng hoảng Syria cho 193 thành viên Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu, tờ The Guardian cho biết. Nước đi ngoại giao này từng được sử dụng trong cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên, mang tên là “Đoàn kết vì hòa bình”.

Biện pháp nói trên cho phép 9/15 thành viên HĐBA tránh được quyền phủ quyết của một nước thành viên thường trực, đưa vấn đề ra Đại hội đồng LHQ. Biện pháp “Đoàn kết vì hòa bình” được thiết kế đặc biệt cho trường hợp HĐBA không thể đảm bảo được trách nhiệm duy trì hòa bình thế giới trong một vấn đề cụ thể. Cần có 2/3 thành viên đại hội đồng bỏ phiếu thuận để thông qua được cơ chế điều tra trách nhiệm tấn công hóa học tại Syria.

Một đề xuất khác đang được cân nhắc là Tổng Thư ký LHQ António Guterres lập ra một ủy ban đặc biệt về vấn đề Syria. Biện pháp này từng được cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon sử dụng vào năm 2010 để tiến hành điều tra về các cáo buộc tội ác chiến tranh ở Sri Lanka trong giai đoạn cuối cuộc chiến với nhóm Hổ Tamil trước đó một năm, theo hãng tin Reuters. Dù vậy, một cơ quan mang tính đối phó và báo cáo trực tiếp cho ông Guterres có thể dễ dàng khiến Nga không phục và không chấp nhận kết quả điều tra, theo The Guardian.

Ông Vladomir Ermakov, Giám đốc bộ phận chống phổ biến và kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Moscow sẵn sàng chấp nhận kết quả điều tra của OPCW tại Douma nếu quá trình điều tra được thực hiện đảm bảo “chất lượng”. Trả lời trang tin Sputnik, ông cho biết: “Nhiệm vụ chính của Nga là đảm bảo các nhà điều tra OPCW điều kiện làm việc khả thi nhất”.

_____________________________

Không thể để cho phiếu phủ quyết của Nga cản trở các nỗ lực đưa ra hành động tập thể của LHQ. Toàn thể cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ truy trách nhiệm cho việc sử dụng vũ khí hóa học và chấm dứt những ác mộng tại Syria.

Ông IAN MARTIN, cựu lãnh đạo Tổ chức Ân xá Quốc tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm