Khủng hoảng Ukraine: Putin muốn tìm giải pháp ngoại giao

Ngày 9-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron về tình hình Ukraine.

Người phát ngôn chính phủ Anh cho hay ông Putin mong muốn tìm giải pháp ngoại giao để chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine và sẽ cân nhắc đề nghị của phương Tây nhằm thành lập nhóm liên lạc tiến tới đàm phán với Ukraine.

Tuy nhiên, theo hãng tin RIA Novosti (Nga), Tổng thống Putin một mực khẳng định không thay đổi quan điểm về việc nước cộng hòa tự trị Crimea (thuộc Ukraine) sáp nhập vào Nga.

Ông nói quyết định tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga của Crimea nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và quyết định này là hợp pháp, nhằm bảo vệ quyền lợi người dân Crimea.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là bất hợp pháp và vi phạm hiến pháp Ukraine.

Cảnh sát bắt giữ người sau khi hai phe biểu tình thân Nga và ủng hộ chính phủ Kiev va chạm ở Sevastopol hôm 9-3. Ảnh: EPA

Thủ tướng Anh Cameron hối thúc Nga rút quân khỏi Crimea và thành lập nhóm liên lạc quốc tế tiến hành đàm phán trực tiếp với Ukraine. Ngoại trưởng Anh William Hague cảnh báo động thái xâm nhập liên tục của Nga vào miền Đông và miền Nam Ukraine sẽ dẫn đến mâu thuẫn đẫm máu.

Ngày 10-3, các ngoại trưởng Bỉ, Hà Lan và Luxembourg đã đến Ukraine. Báo Washington Post (Mỹ) đưa tin dự kiến ngày 12-3, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk sẽ gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng. Theo Nhà Trắng, cuộc gặp tập trung vấn đề Nga can thiệp quân sự vào Crimea.

Ngày 10-3, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích chính phủ phương Tây và cơ quan truyền thông làm ngơ trước vụ tấn công bằng súng vào những người biểu tình ủng hộ Nga ở Kharkov (Ukraine) hôm 9-3 làm một người bị thương. Các nhân chứng cho biết có bảy hoặc tám người đeo mặt nạ đi xe tải nhỏ có trang bị súng đã phục kích ba nhà hoạt động thân Nga.

Tại Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền Ihor Tenyuh tuyên bố Kiev không có kế hoạch đưa quân đội vào Crimea. Giải thích vì sao điều quân ở miền Tây, ông nói chỉ nhằm mục đích diễn tập quân sự chứ không liên quan đến vụ Crimea đòi tách khỏi Ukraine.

Trong khi đó, kênh truyền hình RT (Nga) đưa tin nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở miền Đông trong ngày 9-3. Tại Lugansk, 3.000 người biểu tình thân Nga đã diễu hành yêu cầu Thống đốc Mikhail Bolotskikh từ chức. 1.000 người đã chiếm tòa thị chính.

Trước đó, những người biểu tình thân Nga đã đụng độ với những người biểu tình thân phương Tây gần tượng đài nhà thơ Taras Shevchenko.

Tại Donestsk, 7.000 người biểu tình thân Nga hô khẩu hiệu ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga. Tại Simferopol (Crimea), hàng ngàn người ủng hộ Nga đã tụ tập tại quảng trường Lenin ủng hộ Crimea gia nhập Nga.

Tại Chelyabinsk, 15.000 người tuần hành ủng hộ nhóm thiểu số nói tiếng Nga.

DUY KHANG

Ngày 10-3, trả lời hãng tin RIA Novosti, Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov cho biết mọi công tác chuẩn bị sáp nhập vào Nga đang được tiến hành. Ông nói Crimea sẽ bắt đầu áp dụng luật pháp Nga trước cuộc trưng cầu dân ý và Bộ Tài chính đang vạch ra lộ trình chuyển đổi đồng tiền Ukraine sang đồng rúp của Nga. Crimea hy vọng vẫn duy trì chế độ cộng hòa nghị viện sau khi sáp nhập vào Nga. Người phát ngôn Quốc hội Crimea cho biết hầu hết đơn vị quân đội của Ukraine đặt tại Crimea đã được Crimea kiểm soát. Các đơn vị này cũng đã cam kết không sử dụng vũ lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm