Khuyến cáo về việc nổi mẩn ngứa khi tắm biển Đà Nẵng

Sau nhiều vụ việc người dân, du khách tắm biển Mỹ Khê (TP Đà Nẵng) bị nổi mẩn ngứa khắp người, các cơ quan chức năng tại TP này đang gấp rút tìm hiểu nguyên nhân. Bên cạnh đó, lời khuyên hạn chế tắm biển cũng được đưa ra từ lực lượng cứu hộ bãi biển.

Ngứa cả tuần không hết

Những ngày qua Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin về tình trạng người dân, du khách tắm biển Đà Nẵng bị nổi mẩn ngứa khắp người. Sau đó, nhiều bạn đọc cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình.

Nhiều hình ảnh mẩn ngứa nổi khắp người sau khi tắm biển Đà Nẵng được chia sẻ trên Facebook. Ảnh: Facebook

Nickname Ánh Hồng kể: “Tôi vừa đi biển Đà Nẵng về một tuần. Đúng như bài báo đưa tin, cả đoàn của tôi hơn chục người xuống biển được chục phút là thấy cảm giác ngứa châm chích khắp người.

Bây giờ về Hà Nội mấy người vẫn bị mẩn đỏ rất ngứa, mua thuốc bôi một tuần mà không khỏi, chắc phải đi khám chuyên khoa da liễu. Thật sự yêu biển Đà Nẵng mà nước biển ngứa như này quá sợ luôn. Rất mong các ngành chức năng vào cuộc kiểm nghiệm mẫu nước”.

Theo nickname Vạn: “Gia đình mình ở Điện Bàn (Quảng Nam - PV) đi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng tắm vào ngày 31-6 và con mình hai cháu cũng bị mẩn ngứa như nhiều trường hợp đã phản ánh. Đề nghị xét nghiệm mẫu nước để tìm nguyên nhân”.

Tình hình là vậy nhưng với tiết trời nắng như đổ lửa, hàng ngàn người vẫn đổ ra các bãi biển phía Đông TP để giải nhiệt.

Ông Như (người dân phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho hay dẫu vẫn biết thông tin trên nhưng do trời quá nóng, ông vẫn xuống biển ngâm mình vài phút rồi lên. “Tôi thì không hề gì nhưng thấy nhiều cháu nhỏ than ngứa quá trời” - ông Như nói.

“Cứu hộ trực ở biển cũng khuyến cáo bà con hạn chế tắm vài bữa để chờ kết luận của cơ quan chức năng xét nghiệm nguồn nước xem thế nào” - ông Trần Đại Nghĩa, Phó ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, nói.

Nhiều người vẫn chọn ra biển giải nhiệt do tiết trời Đà Nẵng quá nóng bức. Ảnh: TẤN VIỆT

Chiều 4-7, PV đặt câu hỏi có khuyến cáo gì đối với người tắm biển, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay: “Nghe anh em nói ngày hôm nay đỡ hơn rồi, ít người bị ngứa hơn mấy hôm trước. Giờ phải tìm nguyên nhân cụ thể, chứ nói khuyến cáo thì cũng phải có nguyên nhân chính đáng để nói” - ông Cường nói.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Cùng ngày, Sở TN&MT TP Đà Nẵng phát đi thông tin về sự việc này. Theo đó, Sở TN&MT đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc TN&MT tổ chức lấy mẫu phân tích bổ sung chất lượng nước biển tại các vị trí bãi tắm khu vực biển Đông liên tục trong năm ngày.

Đồng thời, Sở TN&MT yêu cầu Chi cục Bảo vệ môi trường tổ chức khảo sát các cửa xả ven biển, tiến hành lấy mẫu tại khu vực tiếp nhận liên quan các bãi tắm của TP.

Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay công tác quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ được làm thường xuyên với tần suất một lần/tháng.

Ở khu vực biển Đông và vịnh Đà Nẵng có 10 vị trí quan trắc, trong đó có ba vị trí là bãi tắm công cộng (bãi tắm Mỹ khê, bãi tắm Non Nước, bãi tắm Phạm Văn Đồng).

“Kết quả quan trắc sáu tháng đầu năm tại các vị trí biển, ven bờ, đặc biệt tại các bãi tắm trong đợt quan trắc gần nhất (ngày 19-6) cho thấy các thông số môi trường đạt yêu cầu so với quy chuẩn cho phép” - Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay.

Tìm hiểu của PV, thời điểm này hằng năm, lực lượng cứu hộ bãi biển Đà Nẵng thường vớt rất nhiều sứa, đặc biệt là sứa lửa đưa lên bờ thu gom để tránh ảnh hưởng đến người tắm biển. Tuy nhiên, trao đổi với PV chiều 4-7, ông Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho hay lực lượng của ông chỉ thấy sứa ngoài xa khi bơi thúng. "Năm nay chúng tôi không thấy sứa vào gần bờ" - ông Vinh nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới