Buổi lễ phát giải diễn ra ở hội trường sở giáo dục mà hội khuyến học mượn, đơn giản và cảm động, với những gương học giỏi và vượt khó của các cháu học sinh tiểu học và THCS nghèo lên nhận giải. Những gương mặt rạng rỡ dù đồng phục cũ tuềnh toàng bước lên bục nhận quà tặng là 20 cuốn tập và bao thư 200.000 đồng. Quà tặng tuy nhỏ nhưng hết sức ý nghĩa và có giá trị dành cho các cháu.
Buổi phát thưởng sẽ hết sức tốt đẹp nếu không xảy ra một sự cố rất đáng buồn làm tôi suy nghĩ mãi. Đó là khi hai học sinh sau cùng bước lên nhận giải, bỗng có hai phụ nữ dắt hai đứa trẻ bước ra giữa hội trường la lớn với những lời lẽ khó nghe. Một bà nói oang oang, nào là thằng A con bà X có sạp bán trái cây, con B con ông Y chủ tiệm sửa xe sao được phát giải mà con tui không được phát? Bà còn chỉ tay vào mấy người trong ban tổ chức xỉa xói: Mấy người phe cánh với nhau, tui làm lớn chuyện cho xấu mặt chơi. Cả hai đứa bé đi theo các bà mẹ cũng phụ họa với mẹ chúng “tố cáo” thêm mấy đứa bạn vừa được lãnh giải, nào là thằng đó học dở, con kia mới mua xe đạp mới mà nghèo cái gì... Mấy người trong ban tổ chức phân trần với chúng tôi là có thể có thiếu sót bởi hội quá ít người, danh sách học sinh nghèo học giỏi là do trường và xã chuyển lên. Rồi họ thương lượng với hai bà mẹ, còn 20 cuốn tập và cái bao thư mà một em chưa đến nhận đem chia cho hai cháu này. Thế nhưng hai bà mẹ ném trả lại, không thèm nhận và tiếp tục nói nhiều câu rất chói tai rồi dắt con bỏ đi. Những người trong ban tổ chức xin lỗi chúng tôi. Tội nghiệp nhất lũ trẻ vừa hí hửng nhận quà đã tiu nghỉu nét mặt khi chứng kiến và nghe những lời lẽ cay độc của hai bà mẹ. Chắc rằng những ấn tượng xấu ấy sẽ rất khó phai mờ trong tâm trí bọn trẻ.
Sáng Chủ nhật ngồi cà phê với vài người bạn, tôi nhắc lại chuyện vừa kể. Một anh bạn cán bộ ngành văn hóa cười cười: “Ối dào, như thế là còn tốt chán!”. Tôi vừa đi họp phụ huynh cuối năm cho thằng út học lớp 9 chiều qua. Buổi họp như một cái chợ, cãi nhau chuyện tiền nong của hội, của lớp chi tiêu như thế nào, rồi tranh cãi chuyện nhà trường tổ chức dạy phụ đạo ba môn thi chuyển cấp chỉ có mấy tuần mà thu phí đến 600.000 đồng. Thấy căng thẳng quá, tôi phải lén ra về. Môi trường giáo dục bây giờ phải nói là nó bị “ô nhiễm” hơi đồng quá nặng, thế thì dạy dỗ đạo đức thế nào cho lũ trẻ? Không trách bọn nhỏ bây giờ ăn nói láo lếu, ngỗ nghịch vì nó thấy những “tấm gương” của các bậc cha mẹ, thậm chí cả một số thầy cô, như chuyện nếu không đi học thêm thì thế nào cũng bị “đì” xói trán!
Ông bạn hưu trí tiếp lời, giọng buồn buồn: “Thời mình còn đi học, thầy ra thầy, trò ra trò. Học trò sợ thầy một phép bởi hầu hết thầy đều nghiêm túc, đáng kính. Chuyện dạy thêm-học thêm cũng có nhưng không nhiều như bây giờ, đến mức sở giáo dục cấm cũng lén lút mở dạy tại nhà. Mà hồi đó thầy dạy, em nào cần thì học, thầy không ép. Cái câu “Tiên học lễ, hậu học văn” thấy sao nó ý nghĩa quá. Bây giờ nhiều trường cũng kẻ câu này lên cổng trường nhưng có vẻ để làm màu là chính”. Ông bạn già hồi tưởng ngậm ngùi: “Hồi đó có môn đức dục, bây giờ cũng có môn giáo dục công dân nhưng chỉ nặng hình thức và cũng chỉ nói về bổn phận công dân chứ ít nhắc tới chuyện đạo đức. Sao người ta lập các hội khuyến học mà không lập hội “khuyến đức” nhỉ?”.