Sáng 19-6, tại TP.HCM, Cục Xúc tiến thương mại điện tử (Vietrade), Bộ Công Thương kết hợp cùng nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba.com tổ chức “Hội nghị quốc tế về xuất khẩu trực tuyến thông qua nền tảng TMĐT Alibaba.com”.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Vietrade cho biết, công tác xúc tiến trong đó hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng các kênh phát triển thị trường trong tình hình mới đang là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Chính vì thế việc tham gia các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Alibaba.com (nền tảng TMĐT B2B- hình thức kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau) là cơ hội để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường trên khắp thế giới.
Kiếm triệu đô nhờ xuất khẩu đặc sản Việt Nam
Trao đổi với PLO, bà Võ Hoàng Vân, nhà sáng lập Kentary cho biết, trong nửa đầu năm 2024, với các mặt hàng xoài sấy dẻo, hồi, quế, mít sấy, khóm sấy (dứa sấy)… đã giúp doanh nghiệp thu về khoảng 2 triệu USD, thông qua nền tảng Alibaba.com.
Đáng chú ý, các sản phẩm trái cây sấy của Việt Nam hiện đang thu hút hàng chục đối tác quốc tế lớn như Mỹ, Đức, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, khu vực Nam Mỹ… mua hàng. Trong đó xoài sấy dẻo đang là mặt hàng có sức cạnh tranh lớn về giá cả lẫn chất lượng trên nền tảng này.
Chị Vân cho biết, nông sản Việt, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên nền tảng Alibaba.com.
“Ngay cả Trung Quốc, chúng tôi cũng không lo ngại, và không nhìn nhận họ đối thủ hay thị trường để phải cạnh tranh hay so sánh giá”- chị Vân nói.
Bà Trần Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Alibaba.com Việt Nam cũng tiết lộ, dựa theo dữ liệu nhà bán hàng Alibaba đến từ Việt Nam, tính tới tháng 5-2024, các sản phẩm: Thực phẩm – đồ uống, Nhà – vườn, Sắc đẹp, Nông nghiệp, Bao bì – in ấn, Xây dựng - bất động sản, nội ngoại thất và kim loại – hợp kim, đang là top 8 ngành hàng hàng đầu của Việt Nam.
Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, Anh, Canada, Pháp, Philippin, Trung Quốc… là nhóm các quốc gia có tỉ lệ tìm kiếm và mua hàng từ nhà bán Việt Nam tích cực nhất trên Alibaba.com.
“Theo thống kê của Alibaba, trong 20 quốc gia có người mua tích cực nhất của Alibaba thì có 6 quốc gia hiện đang là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Điều này cho thấy, xuất khẩu qua TMĐT đang mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt”- bà Uyên nói.
Nhiều thách thức ở thị trường TMĐT quốc tế
Dù mang lại nhiều kết quả tích cực, nhưng theo các chuyên gia và doanh nghiệp, kinh doanh TMĐT xuyên biên giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Trong vai trò nhà quản lý, bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (IPTC) đánh giá việc tìm kiếm nhà mua hàng tiềm năng vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Chưa kể, các khó khăn khác đến từ sự dịch chuyển cơ cấu nguồn cung ứng thế giới, quy định về tăng trưởng xanh, sự thay đổi trong nhu cầu người tiêu dùng, đòi hỏi nhà bán Việt phải liên tục thay đổi để thích ứng.
“Một vấn đề khác ít được quan tâm đó là sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa khi kinh doanh trên môi trường số, trong khi đây có thể là vấn đề sống còn của DN khi tham gia kinh doanh quốc tế”- Bà Quyên nói.
Cũng theo bà Quyên, khi tham gia khảo sát nhanh các DN kinh doanh trên Alibaba.com tại TP.HCM, họ cho biết nguồn vốn vay là vấn đề gây khó khăn lớn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SMEs khi vay dưới 1 tỉ đồng.
Thứ hai, các chi phí, thuế khi kinh doanh để phục vụ xuất khẩu trực tuyến còn cao trong bối cảnh đơn hàng đang giảm sút. Chưa kể khoản phí để tham gia kinh doanh TMĐT Alibaba.com đang khá cao, gây áp lực cho SMEs muốn gia nhập thị trường.
“Họ mong muốn được chia nhỏ các khoản phí này trả trong hoặc nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước trong vấn đề thúc đẩy phát triển xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới”.
Trước vấn đề này, bà Phương Uyên cho biết, Alibaba.com đang nỗ lực tăng cường các lớp đào tạo 1-1 cho DN hiểu đúng và sâu về kinh doanh trên TMĐT xuyên biên giới. Đồng thời đưa ra nhiều công cụ cho nhà bán trong việc hỗ trợ tìm khách hàng, đăng tải sản phẩm như Trade Assurance, Smart Assistant hay mới nhất là Source by region. Đây là tính năng cho phép người mua tìm kiếm sản phẩm theo khu vực, và nổi bật các ngành công nghiệp đặc thù và sản phẩm chủ lực của các thị trường cung cấp trọng điểm.
Đại diện Vietrade cũng cho biết sẽ cùng Alibaba.com tiếp tục xây dựng và vận hành Gian Hàng Quốc gia Việt Nam, và lựa chọn 100 doanh nghiệp tiêu biểu để tham gia gian hàng này.
Chú trọng chăm sóc khách hàng
Ngoài việc hiểu rõ về thị trường xuất khẩu, theo tôi không nên quá cạnh tranh về giá, mà cần hiểu rõ thị trường mục tiêu, trong đó quan tâm tới xu thế xanh hóa, tính an toàn môi trường,nâng cao chất lượng hàng hóa, hậu mãi, và uy tín của doanh nghiệp.
Bà Tô Thị Hồng Điệp, Giám đốc Công ty cổ phần MinMax Green