Kiểm sát việc thi hành án ra sao nếu Chủ tịch ủy ban không phối hợp thi hành án hành chính?

(PLO)- Cơ quan THADS có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc thi hành án hành chính mà người phải THA là Chủ tịch UBND, UBND...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-1, VKSND Tối cao ban hành Văn bản số 186 giải đáp hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án hành chính, dân sự.

Thi-hành-án-hành-chinh-hình-minh-hoa.jpg
Hình minh họa

Theo Văn bản, VKSND địa phương thắc mắc là tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 71/2016 (quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án) quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính (THAHC), chấp hành viên (CHV) được phân công theo dõi việc THA phải làm việc với người phải THA để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của tòa án. Nội dung làm việc phải được lập thành biên bản.

Tuy nhiên, việc CHV làm việc với người phải THAHC là UBND, Chủ tịch UBND để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định của tòa án trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là người phải THAHC không làm việc theo yêu cầu của CHV hoặc chỉ phân công cho cán bộ, công chức thuộc Văn phòng UBND, các sở, phòng, ban trực thuộc UBND làm việc mà theo quy định những người này không thuộc đối tượng phải làm việc. Vì vậy, VKSND địa phương đề nghị hướng dẫn cụ thể hoạt động kiểm sát của KSV trong trường hợp này?

Trả lời, VKSND Tối cao cho rằng tại Điều 35 Nghị định 71 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS trong việc theo dõi THAHC. Theo đó, Cơ quan THADS có quyền đề nghị Tổng cục THADS đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc THAHC mà người phải THA là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Trung ương.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành bản án, quyết định của TAND cùng cấp; xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Do đó, đối với các trường hợp người phải THA không phối hợp, không chấp hành, Cơ quan THADS cần thực hiện đúng, kịp thời các nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật đã quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm của cơ quan, người phải THAHC là UBND, Chủ tịch UBND, nhưng cơ quan THADS không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên nhằm đảm bảo bản án, quyết định hành chính được thi hành kịp thời thì KSV báo cáo lãnh đạo VKSND cấp mình thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu cơ quan THADS thực hiện theo quy định.

Thêm một nội dung khác có vướng mắc đó là hiện nay có nhiều bản án dân sự có phần quyết định hành chính, tòa án tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN).

Theo Điều 34 BLTTDS năm 2015 khi giải quyết vụ việc dân sự, tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật và việc hủy quyết định này được xác định theo quy định tương ứng của Luật TTHC về thẩm quyền của toà án. Như vậy, nội dung tuyên hủy GCN trong bản án, quyết định dân sự là phần án hành chính trong bản án, quyết định dân sự có được thi hành theo Luật TTHC không, trình tự thực hiện theo dõi như thế nào?

Theo VKSND Tối cao, Điều 309 Luật TTHC quy định về những bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính được thi hành, không quy định thi hành phần quyết định về nội dung hành chính trong các bản án, quyết định dân sự.

Theo Điều 1,2 Luật THADS thì bản án, quyết định dân sự có phần quyết định về nội dung hành chính đã có hiệu lực pháp luật thì tổ chức thi hành theo thủ tục THADS. Tuy nhiên, pháp luật về THADS hiện hành chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành phần quyết định về nội dung hành chính này.

Việc quy định chưa đầy đủ việc thi hành phần quyết định về nội dung hành chính trong bản án, quyết định dân sự của tòa án là bất cập của pháp luật về THADS và pháp luật về TTHC hiện hành. VKSND Tối cao (Vụ 11) sẽ tổng hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật THADS và Luật TTHC trong thời gian tới.

Đối tượng buộc thi hành án hành chính là ai?

Theo VKSND địa phương, Luật TTHC chưa quy định cụ thể đối tượng bị áp dụng quyết định buộc THAHC của tòa án. Do vậy, trong thực tiễn áp dụng còn có nhận thức và cách hiểu khác nhau nên đề nghị hướng dẫn cụ thể đối tượng bị áp dụng quyết định buộc THAHC chỉ là người bị kiện hay có cả người khởi kiện?

Theo VKSND Tối cao, theo Điều 312 Luật TTHC, Điều 11, 12 Nghị định 71 thì đối tượng bị áp dụng quyết định buộc THAHC của tòa án là người phải THAHC, không phân biệt người phải THAHC là người khởi kiện hay người bị kiện.

Do đó, tuỳ từng vụ việc cụ thể, phải căn cứ theo nội dung quyết định của bản án, quyết định của tòa án đã tuyên để xác định người phải THAHC là người khởi kiện, người bị kiện hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm