TAND tỉnh Bình Phước vừa mở phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử một vụ án giết người. Trước đó, tòa từng trả hồ sơ và hoãn xử nhiều lần nên tại phiên tòa này, kiểm sát viên (KSV) cho rằng trước đó đã trình bày lời luận tội và đã đề nghị mức hình phạt rồi nên quay qua hỏi bị cáo có cần nghe lại mức án nữa không.
Vậy KSV có nhất thiết phải trình bày lại lời luận tội đã từng trình bày trước đó hay không?
Giữ nguyên bản luận tội nên không cần đọc?
Theo hồ sơ, tháng 3-2009, khi tham dự đám cưới, nhóm bạn của Phạm Duy Lăng bị một nhóm khác đánh. Lăng cũng bị một người dùng cục đá đập vào đuôi mắt phải. Nghe tin người nhà bị đánh, Lương Văn Khu chạy ra thấy Thức đang đứng gần đó liền đánh Thức ngã xuống đường. Thấy vậy, Lăng cầm chày đánh Thức nhiều cái vào đầu khiến nạn nhân tử vong vài ngày sau đó.
Xử sơ thẩm lần một, TAND tỉnh Bình Phước nhận định dù tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng vẫn chưa làm rõ vụ án còn có dấu hiệu bỏ lọt đồng phạm về tội giết người và tội gây rối trật tự công cộng. Vì vậy, tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Duy Lăng 16 năm tù về tội giết người nhưng lại kiến nghị tòa trên hủy bản án của mình để điều tra, xét xử lại.
Tháng 9-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Sau đó, VKSND tỉnh Bình Phước đã truy tố thêm Lương Văn Khu và hai người nữa về tội gây rối trật tự công cộng.
Ngày 8-8-2014, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử vụ án. Tòa hẹn đến ngày 15-8-2014 sẽ tuyên án. Đến ngày này, thay vì tuyên án, tòa lại tuyên bố hoãn xử để mời giám định viên. Ngày 29-9-2014, tòa tiếp tục phiên xử và quay lại phần xét hỏi. Lần này tòa lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó tòa nhiều lần mở phiên xử nhưng đều hoãn vì thiếu nhân chứng…
Các bị cáo tại phiên tòa mà KSV cho rằng VKS vẫn giữ nguyên nội dung bản luận tội nên không bổ sung gì thêm. Ảnh: CTV
Ngày 24-7 vừa qua, TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục mở lại phiên tòa. Sau khi kết thúc phần xét hỏi, trước khi chuyển sang tranh luận, tòa yêu cầu VKS trình bày lời luận tội. Tuy nhiên, KSV lại nói: “Trước đó KSV đã đọc bản luận tội rồi và đã đề nghị mức hình phạt, các bị cáo cũng đã nghe. Tại phiên tòa hôm nay, đại diện VKS giữ nguyên nội dung bản luận tội nên không bổ sung gì thêm. Bị cáo có muốn nghe lại mức án nữa không?”.
Trong bốn bị cáo, chỉ mình bị cáo Lăng lên tiếng đồng ý nghe lại, các bị cáo khác không ai có ý kiến. Lúc này KSV mới trình bày lại lời luận tội nhưng lại nói rất tóm tắt, sơ sài phần kết tội các bị cáo khác.
Có thể du di hay nhất thiết phải đọc lại?
Vấn đề đặt ra là nếu VKS giữ nguyên quan điểm so với lần mở phiên tòa trước đó thì ở phiên tòa sau có được miễn trình bày lại hay không?
Một KSV ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Theo Điều219 BLTTHS, nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì HĐXX có thể quyết định quay lại phần xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận. Lúc này, nếu quan điểm của VKS không có gì mới so với lúc đầu thì tòa vẫn có thể du di cho VKS để khỏi lặp lại bản luận tội. Nhưng điều này chỉ cho phép đối với phiên tòa chỉ diễn ra trong một ngày chứ nếu tòa đã nghị án kéo dài mấy ngày rồi quay lại phần xét hỏi thì VKS vẫn phải trình bày lại lời luận tội”.
Vị KSV này nói thêm: “Với phiên tòa cần rút kinh nghiệm hay xét xử lưu động, để đảm bảo an toàn, chúng tôi vẫn phải trình bày đầy đủ, nếu “lười” sẽ bị phê bình ngay. Bởi sau đó nếu những người tham gia tố tụng, bị cáo, người nhà bị cáo… khiếu nại thì không hay tí nào. Tôi thấy vẫn đang có hai luồng quan điểm chưa thống nhất: Một bên thì cho rằng đọc rồi, khỏi đọc lại cũng được, tránh mất thời gian, rườm rà; quan điểm thứ hai cho rằng bắt buộc phải đọc. Đây vẫn còn là vấn đề gây ra tranh cãi”.
Viện trưởng VKSND một quận ở TP.HCM ý kiến: “Về nguyên tắc trong ngành, khi vụ án trước đó đã bị tòa trả hồ sơ nhưng sau đó tòa tiếp tục mở lại phiên tòa thì xem như phiên xử hoàn toàn mới. Có nghĩa là tòa lại thụ lý hồ sơ từ đầu, dĩ nhiên mọi thủ tục phải bắt đầu lại: VKS phải đọc cáo trạng, sau khi xét hỏi, VKS phải trình bày lời luận tội, sau đó tranh luận. Nhưng nếu quá trình điều tra bổ sung không có tình tiết mới thì cũng không nên quá cứng nhắc, không nhất thiết phải đọc lại bản luận tội, vì trước đó thư ký phiên tòa đã ghi chép đầy đủ rồi”.
Theo vị viện trưởng này, trong phiên tòa, tất cả đều phải tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa, nếu bị cáo không yêu cầu nhưng chủ tọa yêu cầu thì KSV vẫn phải tuân theo. “Bởi có những trường hợp phiên tòa trước thì hội thẩm A xét xử nhưng phiên tòa sau lại là hội thẩm B hoặc phiên tòa sau có thêm luật sư khác tham gia. Nếu đại diện VKS chủ quan, không đọc lại cáo trạng, lời luận tội là vi phạm tố tụng. Theo tôi, tốt nhất KSV nên đọc lại bản luận tội để đảm bảo đúng theo trình tự thủ tục tố tụng. Điều này còn thể hiện việc thực hiện theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa” - vị viện trưởng chia sẻ.
Trình tự phát biểu khi tranh luận Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, KSV trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo không có tội. Luận tội của KSV phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. (Trích Điều217 BLTTHS) Trở lại việc xét hỏi Nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì HĐXX có thể quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận. (Điều219 BLTTHS) Phải đọc lại bản luận tội Nếu KSV không trình bày lại bản luận tội sẽ dễ dẫn đến án bị hủy. Điều217 BLTTHS quy định sau khi kết thúc việc xét hỏi, KSV trình bày lời luận tội. Có đọc bản luận tội thì luật sư và bị cáo mới biết quan điểm của VKS để trình bày lời bào chữa và tranh luận lại. Hơn nữa, bị cáo khó có thể nhớ hết được những gì KSV đã trình bày tại phiên tòa trước đó, nhất là sau thời gian khá dài. Vì thế, không có chuyện bảo rằng tôi đã đọc rồi nên không cần đọc nữa, như vậy là sai tố tụng. Dù bị cáo không muốn nghe lại thì KSV vẫn phải công bố. Còn nếu chủ tọa đã yêu cầu mà KSV vẫn không phát biểu thì HĐXX sẽ hoãn xử và làm báo cáo gửi viện trưởng VKSND cử KSV khác để tranh tụng theo đúng thủ tục tố tụng. Luật sư PHAN NGỌC NHÀN, nguyên |